Nhật Bản: Mì ramen chật vật "chiến đấu" với Covid-19
Ông Yashiro Haga, 60 tuổi, sau 15 năm duy trì quán mì ramen mang tên Shirohachi ở Tokyo, cuối cùng cũng phải nghĩ đến việc đóng quán vì không trụ lại được trước dịch Covid-19.
Những ngôi quán nhỏ bán món mì ramen là một phần không thể thiếu của thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Những quán nhỏ, có khi chỉ xếp được vài chiếc ghế, nhưng thực khách vẫn sẵn sàng xếp hàng chờ ăn vì sự thân mật, ấm cúng, ngon và tiện lợi. Nhiều quán như vậy đang phải đóng cửa vì không trụ lại được trước dịch Covid-19.
Ông Yashiro Haga, 60 tuổi, sau 15 năm duy trì quán mì ramen Shirohachi ở Tokyo, cuối cùng cũng đang phải tính đến việc đóng cửa vì không có khách hàng. "Khách không còn đến xếp hàng trước quán tôi nữa," ông nói.
Đại dịch Covid-19 đang ngày càng gây tổn thất nặng nề cho các nhà hàng nhỏ cho dù chính phủ Nhật rất cố gắng đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm cứu vãn tình trạng phá sản. Những biện pháp này đã chứng tỏ có hiệu quả trong một số khu vực kinh tế, nhưng với lĩnh vực ăn uống, trong đó có các quán mì ramen truyền thống thì dường như chưa có tác dụng.
Theo thống kê của công ty tín dụng tư nhân Teikoku Databank, trong 6 tháng tính đến tháng 10/2020, trong khi các vụ phá sản của các công ty có dư nợ trên 10 triệu yên (96.228 USD) phải tuyên bố phá sản giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, thì số vụ phá sản của các nhà hàng thuộc diện này lại tăng 4,5%.
Còn theo số liệu của công ty Tokyo Shoko Research, số nhà hàng có dư nợ dưới 10 triệu yên phải tuyên bố phá sản trong cùng giai đoạn trên tăng tới 137%.
Các nhà hàng nhỏ như quán mì ramen của ông Yashiro Haga nằm trong số những doanh nghiệp bị tác động nặng nề nhất. Nhiều quán đưa ra chính sách giá linh hoạt, như tăng giá vào một số khung giờ cao điểm để duy trì tồn tại, nhưng cũng có nhiều quán thà đóng cửa còn hơn tăng giá.
Đại dịch đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mọi người dành nhiều thời gian nấu nướng tại gia đình, giảm việc ra ngoài ăn uống tại nhà hàng. Mặc dù nhiều cơ sở kinh doanh có dịch vụ giao hàng tại nhà, hình thức này cũng không mang lại doanh thu như mong muốn, cũng như không bù đắp được mức sụt giảm về doanh thu.
Từ tháng 3 tới nay, trong khu phố sầm uất ở trung tâm Tokyo thường nhộn nhịp khách du lịch, nơi ông Haga mở quán, ít nhất 7 quán mì ramen như thế này đã phải đóng cửa.
Trên toàn quốc, Teikoku Databank cho biết, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2020, 34 cửa hàng ramen có dư nợ tối thiểu 10 triệu yên phải thông báo phá sản, nhiều nhất so với cùng kỳ các năm trước đó.
Theo các chuyên gia, số cửa hàng đóng cửa trên thực tế nhiều hơn so với thống kê, bởi có nhiều cửa hàng nhỏ do cá nhân sở hữu không được đưa vào thống kê. Ngoài ra, chi phí đóng cửa liên quan đến các yêu cầu của phía cho thuê cửa hàng cũng khá đắt đỏ, do đó nhiều cửa hàng đóng cửa mà không làm hồ sơ phá sản.
Những quán mì phải đóng cửa đầu tiên là những quán đã gặp khó khăn từ trước Covid-19, thường do người già quản lý, anh Takeshi Yamamoto, một nhà phê bình ẩm thực mì ramen, đã đi ăn ở hơn 10.000 quán mì cho biết. Tiếp theo sau số đóng cửa này là làn sóng đóng cửa các chi nhánh của các chuỗi quán mì ramen.
Anh ước tính số quán mì ramen phải đóng cửa thực sự là khoảng 290 quán chỉ riêng trong hai tháng 10 và 11/2020.
Ông chủ của quán mì ramen Shirohachi đã sử dụng 29.000 đôla Mỹ trợ cấp của chính phủ để duy trì cho tới khi không trụ nổi. Ông đã từng cố gắng tìm cách bán hàng online, nhưng không thể bù lại được với số chi phí bỏ ra do không còn khách tới.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giống như các quán mỳ ramen, chiếm tương đương 99,7% số doanh nghiệp và sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động toàn nước Nhật. Có nhiều lo ngại rằng, với tình hình đại dịch COVID-19 vẫn phức tạp, tới đây số lao động bị mất việc sẽ còn tiếp tục tăng.
Tin nổi bật
Tin Video