Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2022
(VOVTV) - Ngày 22/7, Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2022, trong đó có chương mới đề cập riêng đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng.
Sách trắng Quốc phòng năm 2022 bao gồm 4 phần, trong đó phần 1 đề cập tới môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, phần 2 nói về chính sách an ninh và quốc phòng của nước này, phần 3 mô tả về 3 trụ cột quốc phòng và phần cuối đề cập tới các thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Sách trắng còn có 4 chuyên đề đặc biệt, tập trung vào các chủ đề “các vấn đề an ninh hiện nay”, “khả năng răn đe thúc đẩy hòa bình”, “các nỗ lực trong các chiến trường và lĩnh vực mới”, và “kiến tạo môi trường an ninh mong muốn”.
Trao đổi với các phóng viên ở Tokyo, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết khác với năm ngoái, trong Sách trắng năm nay, Nhật Bản bổ sung thêm 1 chương mới đề cập riêng về xung đột quân sự Nga-Ukraine trong Phần 1 và một chương khác về việc tăng cường các hoạt động y tế trong Phần 4, cùng với các đoạn liên quan tới cơ sở trí tuệ và an ninh kinh tế ở các chương 2 và 4 của Phần 4.
Về nội dung cụ thể, trong Sách trắng, Nhật Bản nhấn mạnh bối cảnh cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi, cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang gia tăng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và nhiều lĩnh vực khác, trong đó nổi bật nhất là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự cạnh tranh chiến lược như vậy đang diễn ra ngày càng phức tạp trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, và được tiến hành thông qua nhiều công cụ, trong đó có mạng xã hội, và đôi khi thông qua “chiến tranh lai” kết hợp giữa các biện pháp quân sự và phi quân sự.
Bên cạnh đó, theo Sách trắng, những tiến bộ công nghệ đã làm thay đổi về cơ bản bản chất của an ninh. Các nước tập trung vào việc phát triển và sử dụng cái gọi là “các công nghệ thay đổi cuộc chơi” - đó là các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ siêu âm - và đã nhận ra tầm quan trọng của an ninh kinh tế như ngăn chặn sự thất thoát của các công nghệ tiên tiến đó.
Ngoài ra, Sách trắng cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, đang bị tác động mạnh bởi các thay đổi về cán cân quyền lực toàn cầu và đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh.
Trong bối cảnh đó, Sách trắng khẳng định “Nhật Bản sẽ đảm bảo hòa bình và an ninh bằng cách tăng cường liên minh Nhật-Mỹ cũng như năng lực phòng thủ riêng của mình, và bằng cách phát triển thế trận phòng thủ liền mạch”.
Bên cạnh đó, “trên cơ sở Hiến pháp, Nhật Bản đang xây dựng một cách có hiệu quả lực lượng phòng vệ thống nhất, hiệu quả cao theo các nguyên tắc cơ bản là duy trì chính sách định hướng phòng thủ và không trở thành một cường quốc có thể tạo ra mối đe dọa cho các nước khác, trong lúc vẫn duy trì một cách chắc chắn Thỏa thuận An ninh Nhật-Mỹ, tuân thủ nguyên tắc dân sự kiểm soát lực lượng vũ trang, và tuân thủ 3 nguyên tắc phi hạt nhân”.