Tin tức

Nhật Bản bổ sung thêm 9 nhóm ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

(VOVTV) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách mới để người lao động nước ngoài có tay nghề cao có thể lưu trú lâu dài tại Nhật Bản và mở rộng nhóm ngành nghề cho chương trình kỹ năng đặc định số 2.

Tác giả Hà Nam / VOV1
18/06/2023 14:06

Theo đó, Nhật Bản sẽ mở thêm 9 ngành nghề, tăng số lượng lao động kỹ năng tiếp nhận từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, tăng quyền lợi và mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động của chúng ta.

Việc Nhật Bản quyết định bổ sung thêm 9 nhóm ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú "Kỹ năng đặc định" đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên con số 12 ngành, nghề. Cụ thể, người lao động nước ngoài sau khi tham gia chương trình thực tập kỹ năng hiện hành sẽ được nâng cao kỹ năng tay nghề, năng lực tiếng Nhật để có thể chuyển tiếp sang các bậc tiếp theo là chương trình lao động kỹ năng đặc định số 1 kéo dài 5 năm và mở rộng lên kỹ năng đặc định số 2 lâu dài. Mặt khác, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang kỳ vọng Chính phủ nước này sẽ có những động thái tiếp theo nhằm mở rộng cơ hội đón nguồn nhân lực nước ngoài vào làm việc tại quốc gia này trong nhiều lĩnh vực hiện thiếu hụt lao động trầm trọng, như: Lái xe, vận chuyển, vận hành cửa hàng tiện lợi…

Nhật Bản bổ sung thêm 9 nhóm ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Từ khi bắt đầu thiết lập mối quan hệ chính thức nào năm 1973, đến nay quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam- Nhật Bản đã phát triển sâu rộng và ngày càng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa 2 nước ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Hiện Nhật Bản đang là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động của Việt Nam. Nhiều cương trình, dự án như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả.

Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chỉ tính riêng Chương trình thực tập sinh kỹ năng: Kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam năm 1992 đến nay, đã có hơn 350 nghìn thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Hiện, Việt Nam có hơn 200 nghìn thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại quốc gia này. Còn đối với Chương trình lao động kỹ năng đặc định được hai nước ký Bản ghi nhớ thỏa thuận vào năm 2019, đến hết năm 2022 đã có trên 77 nghìn lao động đặc định Việt Nam sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản (chiếm 58% tổng số lao động đặc định nước ngoài tại Nhật Bản).

Sang Nhật Bản, lao động Việt Nam làm việc và thực tập kỹ thuật chủ yếu trong các ngành nghề như: Chăm sóc người già, sản xuất chế tạo, chế biến thực phẩm, xây dựng, nông nghiệp, du lịch - nhà hàng khách sạn, với thu nhập bình quân khoảng 35 triệu đồng/người/tháng...Thời gian qua, lao động Việt Nam làm việc tại Nhật được đánh giá cần cù, chăm chỉ và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản. Hơn 70% lao động Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng với công việc tại Nhật Bản và đều mong muốn được học hỏi thêm và làm việc lâu dài tại quốc gia này.

Ý kiến của bạn