Nhật Bản bắt đầu nâng mức giới hạn nhập cảnh, cảnh giác với 'đậu mùa khỉ'
(VOVTV) - Bắt đầu từ 1/6, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày và tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới do Covid-19 trong bối cảnh lo lắng về đại dịch đang giảm dần.
Theo đó, Nhật Bản sẽ nâng mức nhập cảnh tối đa từ 10.000 lên 20.000 người mỗi ngày, đồng thời miễn cách ly và xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh đối với người dân đến từ 98 quốc gia và khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là khoảng 80% người nhập cảnh sẽ được miễn trừ các thủ tục liên quan đến Covid-19.
Các động thái nới lỏng của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh nước này đang tìm cách để “phù hợp” với chính sách nhập cảnh các nước Nhóm G7 sau khi bị chỉ trích trong và ngoài nước do các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch bắt đầu tiếp nhận khách du lịch nước ngoài theo từng giai đoạn bắt đầu từ ngày 10/6. Ban đầu khách du lịch sẽ bị hạn chế đối với các chuyến tham quan có hướng dẫn viên từ 98 quốc gia và khu vực. Những người tham gia tour du lịch sắp tới sẽ được tính vào mức trần 20.000. Trước khi nối lại hoạt động du lịch, Nhật Bản đã tiến hành các chuyến du lịch thử nghiệm cho du khách từ Mỹ, Australia, Singapore và Thái Lan kể từ ngày 24/5.
Về nguyên tắc, khách du lịch vào Nhật Bản sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang và tuân theo các biện pháp phòng ngừa khác đối với COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản gần đây cho biết không phải lúc nào cũng cần đeo khẩu trang khi ra ngoài và khuyến cáo mọi người nên tháo khẩu trang khi ở khoảng hơn 2 mét, do thời tiết nóng ẩm trong những tháng tới và nguy cơ say nắng gia tăng. Thủ tướng Kishida Fumio cho biết một bản “hướng dẫn” chi tiết về việc tiếp nhận khách du lịch nước ngoài sẽ được công bố vào ngày 7/6 tới.
Ngoài qua, liên quan đến bệnh “đậu mùa khỉ” có các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa đang có xu hướng lan rộng trên thế giới, chính phủ Nhật Ban cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và cảnh giác với căn bệnh này.
Tin nổi bật
Tin Video