Nhận định thị trường chứng khoán tuần từ 21 - 25/3: Có thể duy trì đà tăng
(VOVTV) - Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể tiếp tục hạ nhiệt. Chính phủ đang nỗ lực trong việc thúc đẩy giải ngân sớm gói đầu tư công. Cùng đó, kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp có thể dần được hé lộ với những gam màu tích cực. Vì vậy, thị trường có thể duy trì đà tăng trong tuần tới (từ 21- 25/3).
Tâm điểm cổ phiếu bluechips
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, hiện tại một số nhóm cổ phiếu cũng đã có mức hỗ trợ "cứng" như ngân hàng hoặc thép... Do vậy thị trường sẽ duy trì đà tăng trong tuần sau, với tâm điểm là những cổ phiếu bluechips (cổ phiếu được phát hành bởi những công ty có vốn hóa lớn và có uy tín hàng đầu trên thị trường) thuộc các ngành như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, đầu tư công… Tuy nhiên, MBS cho rằng, vùng 1.470 điểm được coi là ngưỡng kháng cự mạnh và tại vùng này thị trường có thể xảy ra "rung lắc".
Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, vùng kháng cự 1.470 điểm tiếp tục sẽ là thách thức cho chỉ số VN-Index trong các phiên tới. Trong trường hợp rủi ro bên ngoài gia tăng, vẫn còn khả năng chỉ số VN-Index xuyên thủng trở lại vùng hỗ trợ 1.445 - 1.450 điểm. Khi đó, VN-Index sẽ tạo đáy ngắn hạn quanh vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo nằm tại vùng 1.400 - 1.425 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 14/3 do những lo ngại về tình hình lạm phát gia tăng và chỉ số VN-Index đã kiểm tra lại vùng hỗ trợ trong khoảng 1.425-1.450 điểm. Chỉ số VN-Index còn kiểm tra lại vùng này một lần nữa trong phiên sáng ngày 15/3 rồi bật lên sau đó và kết tuần với 4 phiên hồi phục nhẹ liên tiếp. Dù vậy, VN-Index vẫn chưa thể lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm trong phiên cuối tuần trước áp lực bán từ các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục)
Thanh khoản trong tuần qua suy giảm cũng cho thấy việc nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng ở thời điểm hiện tại nên vẫn chưa quay trở lại giải ngân mạnh mẽ hơn.
SHS cho rằng, những điều này có thể sẽ được cải thiện trong tuần giao dịch tới khi mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt, cũng như việc Chính phủ đang nỗ lực trong việc thúc đẩy giải ngân sớm gói đầu tư công. Cùng đó, kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp có thể dần được hé lộ với những gam màu tích cực.
SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 21/3-25/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục với mục tiêu lần lượt là ngưỡng kháng cự 1.470 điểm và xa hơn là vùng 1.480-1.485 điểm. "Các nhà đầu tư đã mua vào trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong hai phiên đầu tuần có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại", SHS khuyến nghị.
Các nhà phân tích từ SHS cho rằng, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần qua khiến cho giá dầu và giá vàng tiếp tục xu hướng điều chỉnh.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần qua cũng đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% và phát đi tín hiệu có thể nâng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm nay để đối phó với lạm phát.
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra thận. Về diễn biến thị trường tuần qua, việc giảm mạnh của giá dầu đã kéo theo sự điều chỉnh của không chỉ nhóm dầu khí mà còn ảnh hưởng tâm lý đến nhiều cổ phiếu ngành phân bón và thép.
VN-Index đã chịu áp lực giảm hơn 20 điểm ngay phiên đầu tuần, tuy nhiên sau đó chỉ số đã cân bằng tại vùng 1.435 - 1.440 điểm và bắt đầu diễn biến hồi phục.
Sau 4 phiên tăng điểm liên tục, VN-Index đã hồi phục gần 23 điểm, tính cả tuần chỉ số đã tăng 2,56 điểm và chốt tuần tại 1.469,10 điểm. HNX-Index tăng 9,01 điểm lên 451,21 điểm. UPCOM-Index tăng 0,67 điểm lên 116,04 điểm. Khối ngoại tuần qua bán ròng tới 29 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.473 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng quay trở lại để nâng đỡ thị trường trong tuần qua với mức tăng 1,5% giá trị vốn hóa, với các mã như: ACB tăng 0,3%,VCB tăng 0,5%, TCB tăng 0,6%, CTG tăng 1,7%, MBB tăng 2,1%, SHB tăng 2,9%, BID tăng 4,9%... Bên cạnh đó, nhóm công nghệ thông tin cũng tăng 2,7% giá trị vốn hóa nhờ FPT tăng 2%, CMG tăng 7%... Nhóm dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% giá trị vốn hóa, công nghiệp tăng 1,6%, tài chính tăng 0,8%.
Ở chiều ngược lại, giá dầu giảm mạnh khiến nhóm dầu khí mất đến 4,1% giá trị vốn hóa. Các mã như: PLX giảm 3,6%, BSR và PVD đều giảm 4,3%, PVB giảm 5,3%, PVS giảm 5,7%, PVC giảm 7,1%, OIL giảm 7,9%.... Cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 2,4% giá trị do nhóm thép với HPG giảm 2,3%, HSG giảm 4,5, NKG giảm 7,5%... và nhóm phân bón, hóa chất với DPM giảm 5,9%, DCM giảm 8,8%.... Cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm 1,9% giá trị vốn hóa, cùng đó dược phẩm - y tế giảm 0,9%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng diễn biến tích cực và vẫn chịu chi phối bởi xung đột giữa Nga và Ukraine.
Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, đẩy giá hàng hóa tăng vọt và chứng khoán đỏ lửa. Tuy nhiên, giá một số hàng hóa đã hạ nhiệt trong những ngày gần đây, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ cố gắng tìm lại vị thế của mình.
Các nhà đầu tư cảm thấy "nhẹ nhõm" hơn khi giá dầu tăng chậm lại, đồng thời họ cũng tiếp tục xem xét kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thị trường toàn cầu đã biến động mạnh trong những tuần gần đây. Sylvia Jablonski, CEO và Giám đốc đầu tư tại công ty dịch vụ đầu tư Defiance ETFs (Mỹ) cho rằng, sự biến động có thể sẽ tiếp tục trong ít nhất một hoặc hai tháng nữa. Tuy nhiên, hiện tại, bà cho biết nhà đầu tư đang thoải mái hơn với thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/3, "sắc xanh" vẫn thống lĩnh Phố Wall, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cuộc khủng hoảng Ukraine kết thúc mà không có bất ngờ lớn. Chứng khoán Mỹ khởi sắc ngay cả sau khi Chính phủ Nga mới đầy đã bác bỏ tin tức về sự tiến triển trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Trước đó, Financial Times đưa tin rằng cả hai nước đã đạt được "tiến triển đáng kể" về đàm phán nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine.
Khép lại phiên 18/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên 34.754,93 điểm, ghi dấu phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 1,1% lên 4.463,12 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 2,05% lên 13.893,84 điểm. Cả hai chỉ số này đều ghi nhận phiên đi lên thứ tư liên tiếp.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số S&P 500 vọt tăng 6,1% , Dow Jones tăng 5,5% và Nasdaq Composite tiến 8,1%. Đây là tuần tăng điểm tốt nhất của cả ba chỉ số này kể từ tháng 11/2020.
Tại châu Á, sự chú ý của thị trường hiện nay vẫn tập trung vào căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cũng như tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 1,1% lên 3.251,07 điểm, song chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,4% xuống 21.412,40 điểm, sau khi tăng mạnh 16% trong phiên 16-17/3 khi Trung Quốc cam kết sẽ có các biện pháp hỗ trợ thị trường đang lao dốc, đồng thời cho biết các biện pháp kiểm soát lĩnh vực công nghệ sắp chấm dứt.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,7% lên 26.827,43 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Bangkok và Wellington cùng tăng.
Sau một tuần khởi đầu khó khăn, chứng khoán toàn cầu đã có một đợt tăng mạnh trong vài ngày qua nhờ sự lạc quan về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga - Ukraine và sau khi Trung Quốc phát tín hiệu sẵn sàng củng cố thị trường, giảm bớt quy định kiểm soát lĩnh vực công nghệ./.
Tin nổi bật
Tin Video