Nhận định chứng khoán tuần từ 10-14/1: Có thể vẫn duy trì xu hướng tăng
(VOVTV) - Giới phân tích nhận định xu hướng tăng của thị trường chứng khoán tuần từ 10-14/1 không bị ảnh hưởng, dòng tiền ngắn hạn về cơ bản vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip; trong đó, chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn hơn.
Diễn biến tuần giao dịch tuần qua (từ 4-7/1) cho thấy, nhóm cổ phiếu Bluechip (những cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, mang tính dẫn dắt thị trường) đang suy yếu, gây áp lực lớn lên thị trường.
Dù vậy, giới phân tích nhận định xu hướng tăng của thị trường không bị ảnh hưởng, dòng tiền ngắn hạn về cơ bản vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip; trong đó, chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn hơn.
Cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, sau khi vượt đỉnh lịch sử, thị trường dao động nhẹ ở vùng 1.530 trong 3 phiên vừa qua. Nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục gây sức ép lên thị trường bởi cổ phiếu họ Vingroup và ngân hàng. Do vậy, dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Cả 2 nhóm này đều tăng mạnh, đặc biệt là nhóm vốn hóa vừa.
MBS cho rằng, xu hướng tăng của thị trường vẫn không bị ảnh hưởng bởi sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip, thanh khoản đang ở mức cao trong khi biên độ dao động của thị trường đang khá hẹp. Dòng tiền ngắn hạn về cơ bản vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip; trong đó, chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn hơn.
Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) nhận định, phiên cuối tuần, cổ phiếu ở chiều tăng giá chủ yếu thuộc các ngành được cho là hưởng lợi từ đầu tư công như bất động sản, vật liệu xây dựng. Về kỹ thuật, VN-Index chưa thoát khỏi ngưỡng cản của mô hình nến hướng lên (Rising Wedge). Xu hướng tăng được ủng hộ bởi trạng thái các đường trung bình động (MA), các chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI), trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD), chỉ báo dòng tiền (MFI) cũng cho tín hiệu đồng thuận.
Với những dấu hiệu trên, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời nhóm cổ phiếu đã đạt lợi nhuận kỳ vọng và điều chuyển vốn sang của nhóm cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh quý IV/2021 tích cực, giá chưa tăng mạnh từ nền tích lũy, BOS khuyến nghị.
Về diễn biến thị trường tuần qua (từ 4 - 7/1), VN-Index tăng 30,02 điểm lên 1.528,48 điểm; HNX-Index tăng 19,85 điểm lên 493,84 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua suy giảm so với tuần trước đó, nhưng vì chỉ có 4 phiên giao dịch nên thanh khoản giao dịch trung bình mỗi phiên được cải thiện với khoảng 36.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), đây là mức thanh khoản tương đối cao, điều này cho thấy là bên mua đã thắng thế trong tuần qua và dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường.
VN-Index đã vượt thành công kháng cự mang tính tâm lý 1.500 điểm để hướng đến mục tiêu tiếp theo của chỉ số này là vùng kháng cự trong khoảng từ 1.530-1.550 điểm.
Chỉ số đã có 3 phiên liên tiếp tiến vào vùng giá trên nhưng đều thất bại và trong tuần giao dịch tiếp theo từ 10-14/1, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để tiến vào vùng kháng cự kể trên.
Về diễn biến các nhóm cổ phiếu tuần qua, gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trưởng. Cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 8,7% giá trị vốn hóa, nhờ mức tăng của các cổ phiếu tiêu biểu như: GAS tăng 11,7%, POW tăng 15,1%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghiệp với mức tăng 7,3% giá trị vốn hóa, nhờ vào mức tăng của một số trụ cột như CTD tăng 3,7%, VCG tăng 8,1%, GEX tăng 20,5%, CII tăng 24,8%...
Ngành tài chính tăng mạnh 5,7% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu bất động sản như: CEO tăng 30,5%, DIG tăng 21,1%, VRE tăng 15,4%, KDH tăng 11%, VHM tăng 4,1%, NLG tăng 1,4%...
Cổ phiếu dầu khí tăng 4,3% nhờ diễn biến tích cực của giá dầu, có thể kể đến các mã như OIL tăng 11,7%, PVD tăng 6,4%, PVS tăng 6,2%, BSR tăng 5,2%, PLX tăng 4,5%, PVT tăng 3,7%, PVC tăng 2,4%, PVB tăng 1,5%...
Các ngành công nghệ thông tin tăng 1,6% giá trị vốn hóa, ngân hàng tăng 1,3%, nguyên vật liệu tăng 1,1%, dược phẩm và y tế cũng tăng 1,1%. Ở chiều ngược lại, ngành hàng tiêu dùng giảm mạnh nhất với 1,6% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng giảm 0,7%.
Loạt sự kiện ảnh hưởng tới chứng khoán thế giới
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam lên đỉnh cao mới trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022, trong khi các thị trường chứng khoán trên thế giới diễn biến không mấy khả qua. Giới phân tích cũng dự báo tuần tới sẽ có nhiều sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng thị trường nhà đầu tư cần lưu ý.
Trong tuần tới, các chuyên gia cho rằng, giới đầu tư nên chú ý tới một loạt các sự kiện kinh tế quan trọng. Đó là việc Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ ra điều trần vào thứ Ba (11/1) về đề cử của ông trước một hội đồng Thượng viện, trong khi phiên điều trần về đề cử của Thống đốc Lael Brainard vào vị trí Phó chủ tịch Fed được ấn định vào thứ Năm (13/1).
Cũng trong tuần tới, Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo về giá tiêu dùng vào thứ Tư (12/1) và giá sản xuất vào ngay ngày sau đó. Tuần tới cũng đánh dấu sự bắt đầu của mùa thu nhập quý IV/2021 với các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo công bố báo cáo kinh doanh vào thứ Sáu (14/1). Giới quan sát đa phần tin rằng đây sẽ là một quý các công ty ghi nhận hoạt động khá tích cực.
Về diễn biến chứng khoán Mỹ tuần qua, kết thúc phiên cuối tuần 7/1, cả 3 chỉ số đều nhuộm sắc đỏ. Phiên này trên Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 4,81 điểm xuống 36.231,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,02 điểm xuống 4.677,03 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm tới 144,96 điểm xuống 14.935,9 điểm.
Với mức giảm trong phiên cuối tuần 7/1, chỉ số Nasdaq Composite tuần qua để mất tới 4,5% - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 26/2/2021. Chỉ số S&P 500 cũng lùi 1,9% và chỉ số Dow Jones giảm 0,3%.
Tại châu Á, hiện sự chú ý của giới đầu tư đang hướng đến báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 12/2021 của Mỹ. Báo cáo này được cho là có thể tác động đến quyết định của Fed về việc thời gian và tốc độ tăng lãi suất.
Về diễn biến các thị trường chứng khoán châu Á phiên 7/1, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 đi ngang ở mức 28.478,56 điểm.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,5% lên 23.417,98 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.579,54 điểm.
Chứng khoán Sydney và Seoul tăng hơn 1%, chứng khoán Singapore, Mumbai, Bangkok và Jakarta cùng hòa chung xu hướng tăng này. Trong khi chứng khoán Wellington, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Manila đi xuống.
Tin nổi bật
Tin Video