Tin tức

Nhận định chứng khoán tuần cuối cùng năm 2021: Kỳ vọng bứt phá

(VOVTV) - Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2020, chỉ có 2 lần vào năm 2012 và 2018 chỉ số VN-Index giảm điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm. Với diễn biến hồi phục tích cực trong phiên cuối tuần qua (24/12), hầu hết các công ty chứng khoán đều có góc nhìn lạc quan về xu hướng thị trường trong tuần tới (27-31/12).

26/12/2021 16:48

Dòng tiền mạnh lên

Trên góc nhìn kỹ thuật, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho biết, VN-Index quay lại đóng cửa trên đường MA10 (đường trung bình di động 10 ngày) và MA20 (đường trung bình di động 20 ngày), tạm thời rũ bỏ được rủi ro giảm sâu và quay lại vùng tích lũy 1.470-1.480 điểm.

Cây nến xanh dạng Harami cho tín hiệu tích cực về sự thay đổi xu hướng để kỳ vọng vào sự bứt phá khỏi vùng đi ngang trong những phiên tới.

Trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) tuy vẫn nằm dưới đường tín hiệu nhưng đã có góc hướng lên. Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) quay lại vùng tín hiệu đi ngang và Chỉ số dòng tiền (MFI) cho thấy dòng tiền đã mạnh lên so với những phiên gần đây.  Trên đồ thị tuần, VN-Index đóng cửa với nến Pinbar với thân nhỏ và bóng dưới dài, cho tín hiệu người mua cuối cùng đang lấy lại vị thế.

Nhận định chứng khoán tuần cuối cùng năm 2021: Kỳ vọng bứt phá - Ảnh 1.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2020, chỉ có 2 lần vào năm 2012 và 2018 chỉ số VN-Index giảm điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm. Ảnh: Internet

"Nhà đầu tư có thể giải ngân vào những nhóm thu hút dòng tiền tốt và triển vọng kinh doanh quý IV tốt như: dầu khí, thực phẩm, điện và có thể mua thăm dò với nhóm cổ phiếu ngân hàng", BOS khuyến nghị.

Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS cho rằng, phiên cuối tuần thị trường hồi phục và lấy lại gần như toàn bộ số điểm đã mất trong phiên trước đó.

Đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechips (những cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường); trong đó, nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Về kỹ thuật, phiên tăng này đã xác nhận chỉ số VN-Index kiểm tra lại (retest) đường xu hướng tăng kể từ đầu năm thành công. Bên cạnh đó, một số nhóm cổ phiếu cũng đã có mức hỗ trợ cứng như nhóm cổ phiếu ngân hàng hoặc nhóm cổ phiếu thép…

Do vậy, MBS cho rằng thị trường sẽ duy trì đà tăng trong tuần tới, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép...

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SHS), thanh khoản trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy, bên mua và bên bán vẫn đang có sự giằng co quyết liệt tại vùng giá hiện tại.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã kiểm tra thành công hai ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn và trung hạn lần lượt quanh 1.470 điểm và 1.450 điểm trong tuần qua để có phiên cuối tuần hồi phục khá tốt.

Theo đó SHS đánh giá, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa thay đổi và khả năng để VN-Index hướng đến ngưỡng 1.500 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2021 là vẫn có thể xảy ra. SHS thống kê, trong giai đoạn 2011-2020, chỉ có 2 lần vào 2012 và 2018 chỉ số VN-Index giảm điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 20 - 24/12, VN-Index giảm 2,76 điểm xuống 1.477,03 điểm; HNX-Index giảm 10,59 điểm xuống 445,61 điểm. Thanh khoản trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với gần 36.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 13,3% lên 159.707 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 6,8% lên 5.104 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,9% lên 19.880 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 9,4% lên 690 triệu cổ phiếu.

Các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh trong tuần qua. Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng tăng mạnh nhất với 3,3% giá trị vốn hóa, nhờ các cổ phiếu trụ cột như: VNM tăng 0,4%, MSN tăng 8,6%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu ngân hàng với mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu như: VPB tăng 1,3%, TPB tăng 3,3%, VCB tăng 5%...

Ngành dịch vụ tiêu dùng tăng 0,8% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu đầu ngành như MWG tăng 0,1%, FRT tăng 15,5%... Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành dược phẩm và y tế giảm mạnh nhất với 3,8% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu giảm là DCL giảm 12,3%, DHG giảm 4,4%, IMP giảm 2,1%, TRA giảm 1,1%, DHT giảm 0,9%...

Ngành tài chính giảm 2,1% do mức giảm của các cổ phiếu bất động sản như: VHM giảm 1,9%, NLG giảm 6,3%... và các cổ phiếu chứng khoán như: FTS giảm 11%, SSI giảm 6,6%, MBS giảm 6%, SHS giảm 5,9%, HCM giảm 4,7%, VCI giảm 4,4%...

Tiếp theo là ngành công nghiệp với mức giảm 1,3% và ngành tiện ích cộng đồng giảm 1,2% vốn hóa. Ba ngành còn lại là dầu khí giảm 0,9%, công nghệ thông tin giảm 0,3%, nguyên vật liệu giảm 0,1%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần qua, trong bối cảnh chứng khoán thế giới đi lên.

Tâm lý lạc quan kích hoạt đà tăng

Giới đầu tư lạc quan hơn về các dữ liệu kinh tế mới đây và những tác động suy giảm của biến thể mới Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu, ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang gia tăng.

Kết thúc phiên 23/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,55% lên 35.950,56 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 0,62% lên 4.725,79 điểm, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 0,85% lên 15.653,37 điểm.

Tính chung cả tuần giao dịch, Dow Jones tăng 1,6%, S&P 500 và Nasdaq vọt lên lần lượt 2,3% và 3,2%. Ngày thứ Sáu (24/12), thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh.

Bất chấp những thách thức đáng kể do biến thể Omicron và sự gia tăng lạm phát đang diễn ra, phần lớn các công ty ở Phố Wall dự đoán thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phục hồi trong năm tới, dù ở mức khiêm tốn.

Lý lẽ được các công ty đưa ra là do doanh thu của các doanh nghiệp phục hồi mạnh, tăng trưởng kinh tế vững chắc và các vấn đề chuỗi cung ứng được cải thiện.

Theo các nhà phân tích của Wells Fargo, dù áp lực từ lạm phát cao hơn và tình trạng khan hiếm nguồn cung trong năm tới có thể cản trở sự phục hồi kinh tế, thị trường chứng khoán vẫn sẽ có mức tăng trưởng và lợi nhuận trên mức trung bình vào năm 2022. Ngân hàng này mới đây đã nâng dự báo về chỉ số S&P 500 sẽ đạt từ 4.900 điểm lên 5.100 điểm vào năm 2022.

Goldman Sachs thì cho rằng S&P 500 sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm tới, dự đoán mức tăng gần 10% so với mức hiện tại của chỉ số này. Ngân hàng này lưu ý: "Tăng trưởng kinh tế giảm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm cho thấy các nhà đầu tư nên kỳ vọng mức lợi nhuận thấp hơn mức trung bình trong năm tới".

Ý kiến của bạn