Nhận định chứng khoán 16/4: VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210
Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục giảm vào đầu phiên và thu hẹp đà giảm vào cuối phiên. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm và các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán, đặc biệt chỉ báo tâm lý giảm mạnh về vùng bi quan quá mức nên thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp hồi trong một vài phiên tới.
VN-Index sẽ giảm, hướng tới vùng hỗ trợ mới 1.150
Sau tuần giao dịch phục hồi khá tích cực nhưng với thanh khoản suy giảm mạnh, VN-Index khởi đầu tuần này với những áp lực lớn đến từ tình hình thế giới như căng thẳng Iran - Isarel gia tăng, áp lực tỉ giá tăng mạnh. Diễn biến trong phiên giao dịch sáng vẫn khá tích cực khi VN-Index vẫn tăng điểm nhẹ lên 1.281 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán đột ngột tăng mạnh trong cuối phiên chiều với khối lượng đột biến dẫn đến nhiều mã giảm mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm mạnh 59,99 điểm (-4,70%) về mức 1.216,61 điểm. Đây là phiên giảm mạnh hơn phiên giao dịch 18/03/2023, chỉ thua kém phiên giảm điểm kỷ lục ngày 28/1/2021. HNX-Index giảm 11,62 điểm (-4,82%) về mức 229,71 điểm. Độ rộng thị trường trên 02 sàn giao dịch rất tiêu cực khi có 647 mã giảm giá (142 mã giảm sàn), 75 mã tăng giá (10 mã tăng trần) và 65 mã giữ giá tham chiếu.
Với diễn biến bán mạnh đột biến trong phiên chiều, hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực bán mạnh với tỉ lệ các mã giảm hết biên độ tăng đột biến. Trong đó, nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán hầu hết đều giảm mạnh hết biên độ giao dịch, thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình. Các cổ phiếu ngân hàng sau khi có diễn biến khá tích cực đầu phiên cũng chịu áp lực bán mạnh đột biến, thanh khoản gia tăng mạnh với VAB (-8,33%), BID (-6,93%), CTG (-6,82%), TPB (-6,42%), TCB (-6,33%)... ngoài SHB (+0,44) tăng giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sau diễn biến tích cực tuần trước, tăng điểm tốt đầu phiên cũng chịu áp lực bán mạnh, nhiều mã giảm hết biên độ khi kết phiên, thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình như: PVB (-9,92%), PVC (-9,76%), PVS (-9,53%), CNG (-6,99%), PVT (-6,98%)... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến tương tự, hầu hết giảm mạnh hết biên độ với DTD (-9,86%), SIP (-6,93%), SZC (-6,92%), KBC (-6,89%), BCM (-6,89%)... Các nhóm ngành khác cung có diễn biến tương tự thể hiện áp lực bán mạnh, áp lực giảm mạnh tỉ trọng ngắn hạn, dư nợ đột biến.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), dù VN-Index đối diện với cản mạnh 1.300 nhưng phiên giảm điểm ngày 15/4 khá bất thường khi tín hiệu test hỗ trợ thành công đã phát ra trong phiên cuối tuần trước. Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ trở lại xu hướng giảm hướng tới vùng hỗ trợ mới 1.150 nếu không có phiên hồi phục mạnh mẽ ngay trong các phiên tới để vá lại nền tảng bị gãy. Về trung hạn, sau phiên 15/4 khả năng VN-Index yếu đi và trở lại kênh 1.150 - 1.250 đang có xác suất tăng lên nếu động thái tăng điểm mạnh trở lại không xảy ra trong các phiên tới.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, sau phiên bất ngờ giảm điểm mạnh thủng ngưỡng hỗ trợ 1.250 và gãy nền tảng tích lũy thì động lực tăng ngắn hạn của thị trường suy giảm rất mạnh, VN-Index có nguy cơ trở lại xu hướng giảm ngắn hạn với hỗ trợ mới ở mức thấp 1.150. Thị trường cần có nỗ lực phục hồi sớm trong các phiên tới với động lực tăng rất mạnh lấy lại mốc 1.250 để củng cố lại nền tích lũy 1.250 - 1.300 nếu không VN-Index sẽ mất động lực phục hồi và hướng tới vượt cản 1.300 trong ngắn hạn.
Về góc nhìn trung hạn, sau phiên điều chỉnh mạnh 15/4, VN-Index rơi trở lại kênh tích lũy rộng 1.150-1.250 mà mất động lực hình thành uptrend, thị trường sẽ có xu hướng swing dài hơn nếu VN-Index vận động trong kênh tích lũy rộng. Trường hợp tích cực nhất là VN-Index sớm lấy lại mốc 1.250 trong tuần này, tuy nhiên nếu VN-Index vận động trong kênh 1.150-1.250 thì về trung hạn đây vẫn là vận động tích lũy chờ thời cơ hình thành uptrend chứ không có nguy cơ rơi vào chu kỳ downtrend mới.
“VN-Index bất ngờ giảm điểm mạnh gãy nền tích lũy trung hạn và hỗ trợ 1.250 dẫn tới trạng thái vận động ngắn hạn chuyển biến xấu, vận động giảm điểm mạnh ngày 15/4 là bất thường. Với trạng thái hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân trong các phiên tới ngay cả khi VN-Index phục hồi bởi động lực tích lũy và tăng ngắn hạn đang bị thử thách. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trở lại kênh tích lũy rộng 1.150-1.250 và có thể vận động tích lũy lại sẽ kéo dài, do đó nhà đầu tư trung hạn cũng không nên giải ngân trong bối cảnh hiện tại mà cần kiên nhẫn chờ đợi nhịp tích lũy lại tin cậy hơn”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
VN-Index có thể sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường phiên 15/4 ghi nhận sự điều chỉnh mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua và xác nhận phiên giao dịch trong ngày thứ 6 vừa qua là “Bull trap”. Khối lượng giao dịch tăng mạnh cho thấy sự hoảng loạn của dòng tiền đặc biệt khi có những sự chuyển biến đáng e ngại trước các thông tin vĩ mô mới như tỷ giá, lãi suất.
“Nhà đầu tư tiếp tục quan sát, tránh mở mua mới quá sớm và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp – trung bình”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm vào đầu phiên và thu hẹp đà giảm vào cuối phiên. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm và các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán, đặc biệt chỉ báo tâm lý giảm mạnh về vùng bi quan quá mức nên thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp hồi trong một vài phiên tới.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo ở giai đoạn này, dừng bán và quan sát thị trường. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Tin nổi bật
Tin Video