Nhận định chứng khoán 11-15/3: Xu hướng chính vẫn là phục hồi
Xét trên biểu đồ tuần, xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị bẻ gãy, nên khả năng cao là nhịp điều chỉnh hình thành bởi phiên giảm mạnh ngày 8/3 cũng chỉ ngắn hạn. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần kiên nhẫn, chưa vội vàng mở vị thế mua quay trở lại và chỉ ưu tiên vị thế quan sát.
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/3
Áp lực bán có thể tiếp diễn
Sau tuần tăng điểm ấn tượng nhất từ đầu năm 2024 (+46,28 điểm), thị trường đã không duy trì được sự hưng phấn và điều chỉnh trở lại. Mở đầu tuần giao dịch 4/3-8/3, chỉ số VN-Index đã chịu cú “đánh phủ đầu” đầu tiên của phe bán trong phiên giao dịch ngày 4/3. Những phiên sau đó thị trường liên tục giằng co khiến chỉ số gần như đi ngang trước khi điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần. Áp lực bán là tương đối lớn đặc biệt trong 3 phiên thị trường giảm điểm đều có thanh khoản cao hơn tương đối so với 2 phiên hồi phục. Kết thúc tuần giao dịch từ 4/3 - 8/3, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.247,35 điểm, giảm 10,93 điểm, tạm thất thủ trước mốc 1.250 điểm.
Thanh khoản có tuần giao dịch bùng nổ đạt mức cao nhất từ đầu năm 2024 đặc biệt với 3/5 phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất là từ những phiên thị trường điều chỉnh. Lũy kế tuần giao dịch cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 1,042 triệu cổ phiếu (+15,59%), tương đương 27.021 tỷ đồng (+16,2%) về giá trị giao dịch.
Mặc dù điểm số giảm khá mạnh, tuy nhiên, độ mở thị trường vẫn ghi nhận những sự tích cực với 14/21 nhóm ngành tăng điểm. Tích cực nhất trong tuần giao dịch vừa qua phải kể đến các nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng (+5,55%), Phân bón (+3,83%), Hóa chất (+3,36%)... Tác nhân chính khiến thị trường điều chỉnh là nhóm ngành: Ngân hàng (-2.69%), BĐS (-1.81%), Cảng biển (- 1,78%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), phiên giảm mạnh cuối tuần qua cũng không quá bất ngờ khi tín hiệu chốt lời đã manh nha xuất hiện trong 2 phiên trước khiến VN-Index không thể chinh phục ngưỡng kháng cự (1.275 – 1.277) điểm. Phiên giảm mạnh cuối tuần qua khá tiêu cực khi xét về điểm số lẫn thanh khoản. Cụ thể, VN-Index đóng cửa ở mức giảm sâu với khối lượng khớp lệnh bùng nổ, tăng 43,3% so với mức trung bình 20 phiên. Đây là tín hiệu cho thấy áp lực bán có thể tiếp diễn trong các phiên tới.
“Xét trên biểu đồ tuần, xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị bẻ gãy, nên khả năng cao là nhịp điều chỉnh hình thành bởi phiên giảm mạnh ngày 8/3 cũng chỉ ngắn hạn. Chúng tôi kỳ vọng mốc hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm cho đợt điều chỉnh lần này, sau đó thị trường sẽ quay lại xu hướng tích cực. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần kiên nhẫn, chưa vội vàng mở vị thế mua quay trở lại và chỉ ưu tiên vị thế quan sát”, chuyên gia của CSI cho hay.
Xu hướng chính vẫn là phục hồi
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá, theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng đột biến, trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực chốt lời tăng cao. Không những vậy, chỉ số giảm điểm với nến dài cô đặc và đóng cửa xuống dưới MA5, cùng với RSI suy yếu từ vùng quá mua trên 75 xuống dưới 61 thể hiện đà tăng đang hạ nhiệt, cho thấy chỉ số đang chịu sức ép điều chỉnh trở lại. Tuy nhiên, chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên MA20 hướng lên, cùng với ADX nằm trên vùng 45 và +DI nằm trên –DI cho thấy xu hướng chính vẫn là phục hồi. Do đó, phiên giảm cuối tuần qua có thể chỉ nằm trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật với hỗ trợ gần quanh vùng 1.230 – 1.235 điểm (MA20).
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có phiên giảm điểm trở lại. Mặc dù vậy, chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên đường MA20 và 50 hướng lên tích cực, cho thấy phiên giảm có thể chỉ mang tính kỹ thuật và xu hướng chính vẫn là phục hồi.
“Nếu vùng hỗ trợ 234 điểm (MA20) không bị phá vỡ, thì chỉ số sẽ có cơ hội hướng lên vùng kháng cự 240 điểm (đỉnh tháng 10/2023). Nhìn chung, thị trường đang trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi chính. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng nhịp rung lắc này để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn”, chuyên gia của PHS nhận định.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường ghi nhận sự điều chỉnh tương đối mạnh đối với chỉ số ngay từ trong phiên sáng cuối tuần 8/3, nhưng diễn biến trở nên tiêu cực hơn vào phiên chiều. Áp lực bán bao trùm trên toàn thị trường, nhưng vẫn có những sự phân hóa riêng biệt ghi nhận những mức tăng điểm tích cực trong phiên, trạng thái các cổ phiếu chưa có mã rơi vào xu hướng giảm, do vậy, vận động tăng trong trung hạn sẽ vẫn được bảo lưu.
“Việc điều chỉnh này là hợp lý khi chỉ số tiệm cận vùng cản 1.280 điểm và diễn biến bán ở thời điểm hiện tại chưa quá tiêu cực. Do đó, nhà đầu tư có thể mở mua thăm dò nếu chỉ số có điều chỉnh trở lại vùng 1.240-1.250 điểm hướng đến mốc 1.280-1.300 với vùng 1.220 điểm là vùng quản trị rủi ro”, chuyên gia của ASEANSC khuyến nghị.
Tin nổi bật
Tin Video