Nhận diện thành viên NATO có thể giúp thay đổi cục diện trong vấn đề Nga
Sự vững chắc về quân sự kết hợp sự khôn khéo trong ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga có đóng góp quan trọng cho NATO khi liên minh quân sự này tìm cách ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu đang tìm cách răn đe Nga trước kịch bản tấn công Ukraine, việc sử dụng các lực lượng quân sự trực tiếp có lẽ không phải điều được bàn đến. Dù vậy, có một quốc gia thành viên NATO đã thành công thuyết phục Moscow đi theo con đường hòa giải trong những năm gần đây, đó chính là Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang “mạo hiểm” mối quan hệ với Nga bằng việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Ukraine, đặc biệt là việc bán hàng chục máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 cho Kiev – động thái khiến Moscow nổi giận.
Điều này có thể gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai nhận thấy Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang ngả về phía Nga và rời xa NATO trong những năm gần đây. Năm 2017, Ankara đã ký thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga, khiến Mỹ phản ứng bằng cách loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và áp trừng phạt Ankara theo Đạo luật CAATSA. Nhiều năm trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga và Iran đồng chủ trì Tiến trình Astana, một giải pháp thay thế cho nỗ lực do Liên Hợp Quốc đứng đầu nhằm làm trung gian giải quyết cuộc nội chiến Syria.
Mối quan hệ phức tạp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên trên thực tế, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga rất phức tạp với sự cạnh tranh và hợp tác đan xen trên nhiều lĩnh vực và nhiều chiều hướng. Ankara và Moscow có lịch sử nhiều thế kỷ đối kháng ngoại giao và xung đột quân sự, thường tập trung vào khu vực Biển Đen.
Bất chấp lợi ích kinh tế chung của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga về xuất khẩu năng lượng, du lịch, xây dựng và nông nghiệp, Ankara đã cùng các đồng minh NATO phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Lập trường cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ có một phần nguyên nhân từ lịch sử giận giữ về việc người Tatar Crimea thuộc sắc tộc Turkic (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng lại nằm dưới sự cai trị của Nga.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về một nước Nga ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở các vùng Biển Đen và Nam Caucasus. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng cách trở thành một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc NATO kết nạp thêm thành viên, bao gồm cả Ukraine và Gruzia.
Ankara cũng đề nghị làm trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine, theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược với Kiev chủ yếu dựa trên hợp tác công nghiệp quốc phòng, ngoài UAV còn bao gồm các hợp đồng bán tàu hải quân có khả năng tàng hình và cùng phát triển động cơ phản lực cho máy bay quân sự.
Chứng kiến tác động tàn khốc từ chiến thuật sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ - kết hợp tình báo chiến trường của UAV và các cuộc tấn công tên lửa chính xác với các cuộc tấn công bằng pháo binh được phối hợp chặt chẽ nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ và tận dụng ưu thế trên không - Nga có nhiều lý do để lo ngại về thương vụ UAV giữa Ankara và Kiev.
Các cuộc tấn công như vậy đã khiến các lực lượng chính phủ Nga và Syria bế tắc ở Idlib (Syria) vào tháng 3/2020, buộc Nga phải tuân thủ thỏa thuận trước đó với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bảo vệ Idlib như một “khu vực an toàn”.
Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh lần thứ hai năm 2020, quân đội Azerbaijan - một khách hàng mua UAV của Thổ Nhĩ Kỳ từ sớm - đã sử dụng chiến thuật tương tự để vô hiệu hóa vũ khí tiên tiến của Armenia bao gồm hệ thống phòng không và thiết giáp, với tốc độ và độ chính xác đáng kinh ngạc.
Đó là lý do tại sao Nga nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về UAV của Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây nhất, trong cuộc điện đàm ngày 3/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng, các UAV này cho phép Ukraine thực hiện các hành vi “phá hoại”.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, việc bàn giao UAV cho Ukraine sẽ vẫn diễn ra. Tuy nhiên vài ngày sau đó, Ankara tìm cách khôi phục sự cân bằng ngoại giao và đưa ra đề xuất hòa giải. Mặc dù Moscow không chấp nhận lời đề nghị này nhưng vẫn thận trọng để tránh những lời lẽ quá khích đối với Ankara.
Lợi thế của Thổ Nhĩ Kỳ
Sự vững chắc về quân sự kết hợp với sự khôn khéo trong ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại những khả năng quan trọng cho NATO khi liên minh quân sự này tìm cách ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine.
Theo học giả Francis Fukuyama, giáo sư Kinh tế-Chính trị-Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, đồng thời là thành viên của tổ chức New America Foundation, việc Ukraine sử dụng UAV Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một “yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi”.
Các nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh cũng cho rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể khiến xe tăng chiến đấu trở nên lỗi thời.
Về phần mình, Nga cũng đã thận trọng để không gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ - có thể vì lợi ích kinh tế chung, hoặc đơn giản là vì Moscow muốn khoét sâu rạn nứt trong mối quan hệ giữa Ankara và các đồng minh NATO.
Theo ông Matthew Bryza, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Atlantic, dù động cơ của Điện Kremlin là gì, việc Mỹ và NATO tận dụng những ưu thế của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quân đội lớn thứ hai của khối liên minh quân sự - đặc biệt là sự khôn ngoan ngoại giao có được từ việc kiểm soát hàng thế kỷ xung đột và hợp tác với Nga, sẽ chỉ có lợi trong việc giải quyết vấn đề Nga-Ukraine.
Tin nổi bật
Tin Video