Đời sống

Nhầm lẫn ung thư phổi là COVID-19 sẽ dẫn đến phát hiện muộn

(VOVTV) - Ung thư phổi là căn bệnh ác tính có triệu chứng mờ nhạt khi mắc, vì vậy các bệnh nhân đến bệnh viện đều đã ở giai đoạn muộn. Đây cũng là lý do khiến căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao khi phát hiện, đòi hỏi việc tầm soát phải được chú trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh COVID-19 hiện nay.

Tác giả Kim Dung / VOV TPHCM
16/05/2022 16:39

Theo các chuyên gia, số bệnh nhân mới mắc và tử vong do ung thư phổi tăng đều theo thời gian, từ 18 triệu ca mới và 9,5 triệu ca tử vong trong năm 2018, dự kiến vào năm 2040, Việt Nam sẽ có 28,9 triệu ca mới và 16,2 triệu ca tử vong.

Ung thư phổi được cho là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất tại Việt Nam và thế giới. Có đến 70-80% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn 3-4. Tỉ lệ sống 5 năm trung bình của bệnh nhân ưng thư phổi là 14.8%.

Nhầm lẫn ung thư phổi là COVID-19 sẽ dẫn đến phát hiện muộn - Ảnh 2.

Chuyên gia nước ngoài cập nhật phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư phổi

Ung thư phổi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công sẽ cao hơn. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh giai đoạn đầu thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác. Điều này có nghĩa là người bị ung thư phổi có thể bỏ qua cảnh báo, hoặc người bị ung thư phổi không nhận thấy các triệu chứng cho đến khi bệnh đã di căn, gây khó khăn trong điều trị.

Chia sẻ một ca lâm sàng điển hình, bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Quốc Trung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cuối năm 2021, một bệnh nhân đến khám vì triệu chứng ho và sụt cân. Người này không hút thuốc lá, bị tăng huyết áp 20 năm qua và cả đái tháo đường tuýp 2. Do ho khan kéo dài nên tình trạng khó thở. Sau khi làm các xét nghiệm thường quy và các xét nghiệm chuyên sâu, sinh thiết u phổi trái qua CT scan, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thùy trên phổi trái giai đoạn 4.

Nhầm lẫn ung thư phổi là COVID-19 sẽ dẫn đến phát hiện muộn - Ảnh 3.

Hình ảnh PET-CT của một bệnh nhân Ung thư thùy trên phổi phải không tế bào nhỏ

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, số bệnh nhân đến khám ung thư tại đây mỗi năm khoảng 34.000-35.000 lượt.

“Nên cập nhật thêm các thuốc mới kịp thời. Thứ 2 là cũng nên chi trả cho các xét nghiệm mang tính chuyên sâu. Xét nghiệm đi với thuốc. Thứ ba là chương trình tầm soát ung thư quốc gia cũng nên bắt đầu, dù biết rất khó khăn. Tại vì tầm soát không phải là chụp CT gì đó là xong, mà đòi hỏi một nền tảng, hệ thống y tế rất đồng bộ", Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ thông tin thêm, riêng năm 2021, do đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, nên lượt khám khoảng 28.000. Riêng số bệnh nhân ung thư phổi khoảng 10 ca mỗi ngày.

Cũng theo bác sĩ Vũ, hiện công tác điều trị ung thư phổi ngày càng phát triển mạnh, điều quan trọng nhất là phải xét nghiệm được loại ung thư phổi nào để có thuốc điều trị phù hợp.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn