Giải trí

Nhạc Hoa lời Việt: Sự nghèo nàn của sáng tạo?

(VOVTV) – Hiện nay, trao lưu nhạc Hoa lời Việt đang nở rộ với nhiều bài hát được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, trào lưu này cũng để lại nhiều ý kiến trái chiều.

Tác giả Ngọc Bích / VOVTV
22/05/2021 20:05

Nhạc Hoa lời Việt chính là một bản nhạc có phần nhạc là của Trung Quốc trong khi phần lời sẽ được Việt hóa hoặc viết lại. Nhạc Hoa lời Việt không còn quá xa lạ đối với những bạn trẻ hiện nay khi có nhiều ca khúc đình đám, viral như: Độ ta không độ nàng, Phiến lá tĩnh lặng, Chỉ là không cùng nhau...

Hiện nay, trào lưu này đang nở rộ trở lại khi liên tiếp các ca sĩ lựa chọn phương án này để truyền tải âm nhạc tới khán giả. Tuy nhiên, việc số lượng những bài hát nhạc Hoa lời việt ngày càng tăng cũng để lại nhiều ý kiến trái chiều.

Nhạc Hoa lời Việt: Sự nghèo nàn của sáng tạo? - Ảnh 1.

Ca khúc nhạc Hoa lời Việt "Độ ta không độ nàng" gây sốt suốt những tháng cuối năm 2019

Nhạc Hoa lời Việt làm phong phú thêm cho âm nhạc Việt Nam

Nhiều người không biết, nhạc Hoa lời Việt đã từng là trào lưu trong thập niên 90 thế kỷ trước với những bài hát mà đến giờ nhiều người vẫn còn thuộc như: 999 đóa Hoa hồng, Dù có là người tình, Người đến từ Triều Châu…. Những bài hát nhạc Hoa lời Việt lúc bây giờ cũng góp phần đưa tên tuổi của nhiều ca sĩ đến gần hơn với khán giả như Ngọc Lan, Đan Trường, Lam Trường….

Còn hiện tại, nhiều ca sĩ trẻ cũng đã lựa chọn những bản nhạc Hoa lời Việt để thể hiện như Tăng Phúc, Hà Nhi, Juky San, Quang Đăng…. Không thể phủ nhận rằng những bài hát của họ đều nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ công chúng.

Ca khúc "Chỉ là không cùng nhau" của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi được nhiều bạn trẻ yêu thích. Minh chứng là gần 60 triệu lượt xem trên Youtube trong 2 tháng cùng với tần suất xuất hiện của bản nhạc này trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tik Tok… Hay gần 21 triệu lượt xem trên Youtube cùng cơn mưa lời khen dành cho Độ ta không độ nàng của "thánh nữ Cover" Hương Ly và hàng loạt những ca sĩ khác cũng cover lại ca khúc này chình là "bằng chứng" cho sự phổ biến của những trào lưu nhạc Hoa lời Việt.

Những bài hát nhạc Hoa lời Việt trở nên phổ biến khi nó phù hợp với thị yếu của khán giả trẻ nước nhà nhờ những bàn phối phù hợp cộng với độ nổi tiếng của bài hát gốc cũng như sự phát triển của phương tiện truyền thông, giúp những ca khúc này lan tỏa nhanh chóng. Chính vì lý do đó mà nhiều ca sĩ lựa chọn những bản nhạc Hoa lời Việt để làm bước đệm đến gần hơn với khán giả.

Những ca khúc này luôn được phối khí lại để đem đến cảm giác mới lạ, mang đến cái chất riêng của ca sĩ thể hiện. Việc nhạc Hoa lời Việt xuất hiện góp phần giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động, làm phong phú hơn kho nhạc của các bạn trẻ, trở thành "món ăn" giải trí cho nhiều người.

Nhạc Hoa lời Việt: Sự nghèo nàn của sáng tạo

Bên cạnh lời khen dành cho những ca khúc nhạc Hoa lời Việt thì nhiều người cũng đưa ra quan điểm về việc quá "lạm dụng" âm nhạc của nước bạn.

Không ngần ngại đưa ra ý kiến của bản thân trước trào lưu này, Nguyễn Thanh Hưng – một ca sĩ/nhạc sĩ trẻ của Việt Nam, người sở hữu những ca khúc đình đám đã có bài chia sẻ trên MXH: "10 bài hát thì có tới 6-7 bài là nhạc Hoa lời Việt. Nhạc Hoa công nhận hay nhưng quá nhiều như thế thì âm nhạc ở Việt Nam không còn là của Việt Nam nữa".

Ý kiến của Nguyễn Thanh Hưng đã nhận về sự đồng tình của nhiều người. Việc quá lạm dụng "thành quả" của người khác trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc mất đi tính sáng tạo. Lâu dần, việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới âm nhạc Việt Nam, đánh mất đi cái chất riêng vốn có, khiến khán giả dần quên đi cái "độc" của nhạc Việt.

Nhạc Hoa lời Việt: Sự nghèo nàn của sáng tạo? - Ảnh 3.

Ca khúc "Phiến lá tĩnh lặng" do Thùy Chi thể hiện được viết dựa vào phần nhạc của bài "Phi điểu và ve sầu" đã lọt vào Top 12 trending Youtube mảng âm nhạc

Thời gian gần đây, những ca khúc nhạc Hoa lời Việt liên tiếp đạt được thành công trên thị trường âm nhạc Việt Nam, thậm chí đánh bại nhiều bài hát "thuần Việt" khác. Việc này lâu dần sẽ khiến cho nhạc Việt bước lùi trên con đường tiến ra quốc tế. Việc này cũng góp phần khiến không ít nhạc sĩ chỉ biết "dựa" vào ca khúc nhạc Hoa có sẵn để rồi quên đi sáng tạo trong những nốt nhạc, dần dần ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nhạc Việt.

Âm nhạc chỉ "quanh đi quẩn lại" với chưa đầy 10 nốt nhạc nhưng đó là thứ nguyên liệu để các ca sĩ/nhạc sĩ thể hiện được tính cách và sự sáng tạo riêng của mình. Không thể phủ nhận được nhạc Hoa lời Việt đã góp phần làm phong phú và nhộn nhịp hơn cho nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn không nên quá lạm dụng nó để rồi làm mất đi cái riêng, cái chất cùng sự sáng tạo của người Việt.

Ý kiến của bạn