Xã hội

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - Từ “Bàn chân kỳ diệu” tới “người thầy kỳ diệu”

VOVTV - Sau 29 năm chiến đấu với bệnh suy thận, Nhà văn, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký – người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi. Suốt cả cuộc đời, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò với nghị lực, quyết tâm phi thường. Câu chuyện về thầy cũng được đưa vào sách giáo khoa và trở thành biểu tượng của lòng kiên trì, ý chí học tập suốt đời.

Tác giả Lê Thị Thu / VOV1
28/09/2022 15:18

Cuộc đời và quá trình luyện viết của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã vào những trang sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, tập 1 và gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ học sinh trên cả nước. Ông là tấm gương cho sự kiên trì, quyết tâm, lòng ham học cho nhiều thế hệ học trò.

Ngày ấy cậu bé Ký sinh năm 1947 tại huyện Hải Hậu, Nam Định quặp viên gạch non trong hai ngón chân tập viết trên sân. Rồi gạch thay bằng bút, sân thay bằng vở nhưng Ký phải viết hàng trăm lần để có một con chữ tròn trịa, phải làm hàng trăm lần một bài thủ công, tập xoay compa hàng chục lần để được học hình học. Ký cứ thế mà trở thành học sinh giỏi toán toàn miền Bắc và được Chủ tịch Hồ chí Minh tặng danh hiệu, sinh viên duy nhất có tác phẩm xuất bản ngay khi vừa tốt nghiệp của khoa văn. Rồi Nguyễn Ngọc Ký trở thành thầy giáo.

Không chỉ truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò với nghị lực, quyết tâm phi thường, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký còn là nhà văn sở hữu hơn 30 tác phẩm văn học gồm thơ, văn và truyện ký. Đặc biệt ông viết chính câu chuyện cuộc đời mình bằng văn chương như Hồi ký "Tôi đi học", Hồi ký "Tôi học đại học", Hồi ký "Tôi đi dạy học", "Tâm huyết trao đời"… 

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - Từ “Bàn chân kỳ diệu” tới “người thầy kỳ diệu” - Ảnh 1.

Cuốn hồi ký "Tôi đi học" của nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Gấm, Giáo viên trường THCS An Nhơn, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, những cuốn sách của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã giúp cô có thêm động lực trong nghề giáo để từ đó truyền cảm hứng cho các học trò của mình: "Sau khi đọc những cuốn sách của thầy thì cảm thấy những cuốn sách mang những triết lý cuộc sống sâu sắc. Từ những cuốn sách đó mà bản thân học được những điều hay như ý chí, nghị lực trong cuộc sống. Ví dụ như trong nghề giáo có những lúc khó khăn trên bục giảng, từ những câu chuyện đó truyền lửa cho những học sinh của mình."

Thầy Nguyễn Ngọc Ký được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1992. Sau đó một năm, thầy Ký cùng gia đình chuyển vào sinh sống và chữa bệnh tại TP.HCM, đồng thời chuyển công tác làm việc tại Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”.

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - Từ “Bàn chân kỳ diệu” tới “người thầy kỳ diệu” - Ảnh 2.

Dù sức khỏe không tốt nhưng thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn hăng say cống hiến cho nền văn học nước nhà

Sau khi nghỉ hưu, dù sức khỏe không tốt nhưng thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn hăng say cống hiến cho nền văn học nước nhà. Những năm tháng cuối đời, mặc dù phải chống chọi với bệnh suy thận, tuần 3 lần phải chạy thận nhân tạo, song với nghị lực và quyết tâm phi thường, ông vẫn miệt mài đi giao lưu với học sinh, vừa tiếp khách tư vấn tâm lí qua Tổng đài 1088 và vừa sáng tác tại TPHCM. 

Ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 1, TP Hồ Chí Minh có những cảm nhận sâu sắc về thầy Nguyễn Ngọc Ký: "Tôi luôn coi thầy là 1 hình ảnh rất đẹp để cho người trẻ hay người lớn, những người rơi vào nghịch cảnh thì hãy nhìn vào thầy để có niềm tin trong cuộc sống. Ở thầy Nguyễn Ngọc Ký không những vượt qua nghịch cảnh mà thầy còn làm được nhiều điều phi thường. Từ hình ảnh của thầy chúng ta thấy không có điều gì không làm được, cố gắng giúp con người vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Tôi cũng nhìn thấy ở thầy 1 người học tập đến hơi thở cuối cùng."

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - Từ “Bàn chân kỳ diệu” tới “người thầy kỳ diệu” - Ảnh 3.

"Đôi chân kỳ diệu" và nghị lực phi thường làm nên những điều kỳ diệu

Từ ngày cậu bé Ký bắt đầu dùng “đôi chân kỳ diệu” viết nên “câu chuyện kỳ diệu” - Tôi đi học trên những cánh đồng Hải Hậu, Nam Định ấy đến nay đã tròn 70 năm. 70 năm làm tấm gương sáng, 70 năm làm thần tượng sáng rỡ và bền bỉ ấy chắc chắn không thể chỉ nhờ ở tài viết, vẽ, làm thủ công bằng chân, cũng không thể chỉ nhờ ở tài làm thơ, sáng tác câu đố hay cả hai tài ấy cộng lại. Trong căn nhà nhỏ ở Gò Vấp, thầy Nguyễn Ngọc Ký treo những câu thơ “Để làm ngọn lửa con/Nến tự thiêu mình trong nước mắt/Câu thơ cuộc đời, khoảnh khắc trăm năm”... “Nến thiêu mình” còn Nguyễn Ngọc Ký đã vắt mình, truyền lửa suốt 70 năm để trở thành “người thầy kỳ diệu”.

Ý kiến của bạn