Tin tức

Nhà Trắng chia rẽ về lệnh trừng phạt Nga

Một số quan chức lo ngại các lệnh trừng phạt mới có thể phản tác dụng.

03/06/2022 15:30

Theo tờ Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chia rẽ về mức độ nước này có thể thúc đẩy các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà không làm suy yếu nền kinh tế của bản thân cũng như sự đoàn kết giữa các nước phương Tây.

Dẫn các nguồn thạo tin, tờ Bloomberg ngày 1/6 cho biết mặc dù phần lớn đội ngũ của Tổng thống Biden ủng hộ kế hoạch trừng phạt mà Washington đưa ra sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2 song các cuộc thảo luận về vấn đề này đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các lệnh trừng phạt không thể gây sức ép đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc thay đổi hướng đi.

Các quan chức trong chính quyền Washington được cho là đã hình thành hai phe không cùng quan điểm. Một nhóm bao gồm các quan chức Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng ủng hộ một lập trường cứng rắn. Họ tin rằng bất kỳ sự phản đối nào từ đồng minh và đối tác của Mỹ cũng đều có thể vượt qua.

Nhà Trắng chia rẽ về lệnh trừng phạt Nga - Ảnh 1.

Các quan chức trong Nhà Trắng bất đồng về các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, nhóm còn lại, đại diện chủ yếu là các quan chức Bộ Tài chính Mỹ, đã đưa ra những lo ngại liên quan đến thảm họa kinh tế mà lệnh trừng phạt có thể gây ra, đặc biệt trong bối cảnh người Mỹ đang phải hứng chịu tình cảnh giá dầu cao và lạm phát. Một số quan chức cũng được cho là lo lắng về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới và cơ hội để Đảng Dân chủ giữ ghế của mình trong Quốc hội.

Các nguồn tin miêu tả các cuộc thảo luận đang diễn ra là "những tranh luận nội bộ lành mạnh". Họ nhận định không có gì bất thường khi Bộ Tài chính muốn xem xét kỹ lưỡng các chính sách có thể gây tác động ngược lại cho nền kinh tế.

Mỹ đang phải hứng chịu lạm phát và giá khí đốt cao kỷ lục do cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ lạm phát năm ghi nhận vào tháng 10/2021 đạt 6,2%, cao nhất trong hơn ba thập kỷ.

Nếu Washington tiếp tục gây sức ép lên Moskva bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, họ có thể trở nên “đơn độc” và có thể tạo bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh.

Trước đây, Mỹ và Anh đã áp đặt các lệnh cấm đối với dầu và khí đốt của Nga, nhưng vào thời điểm đó, Liên minh châu Âu (EU) không nhất trí với lệnh trừng phạt. Đầu tháng 3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông gây sức ép một cách “bền vững” đối với Moskva để không gây quá nhiều gánh nặng cho người tiêu dùng Đức.

Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố sự đoàn kết của EU đối với các lệnh trừng phạt Nga đang bắt đầu “vỡ vụn”.

“Sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine, chúng ta đã thấy điều gì có thể xảy ra khi châu Âu đoàn kết. Với tầm nhìn tới hội nghị thượng đỉnh vào ngày mai, hãy hy vọng nó sẽ tiếp tục như thế này. Tuy nhiên, sự đoàn kết này đã bắt đầu có dấu hiệu sụp đổ”, vị quan chức nói trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 5 trước cuộc họp thượng đỉnh của EU bàn về các lệnh trừng phạt Nga.

Mặc dù EU đã nhất trí về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng họ chỉ có thể làm được như vậy sau khi chấp nhận yêu cầu của Hungary, miễn trừ áp lệnh cấm vận lên đường ống dẫn dầu Druzhba.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho hay vấn đề về một lệnh cấm khí đốt Nga thậm chí còn không được bàn đề trong cuộc họp.

Từ cuối tháng 2, Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi cáo buộc quốc gia láng giềng không thực hiện các điều khoản của các thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014.

Kể từ đó đến nay, Điện Kremlin luôn yêu cầu Ukraine tuyên bố là một quốc gia trung lập và cam kết không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.

Về phần mình, Kiev khẳng định hoạt động quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang có kế hoạch giành lại Donetsk và Luhansk bằng vũ lực.

Chiến dịch quân sự của Nga đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây, trong đó các quốc gia này áp đặt loạt lệnh trừng phạt, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và nhắm tới một loạt quan chức cấp cap, cắt đứt quan hệ kinh tế.

Ý kiến của bạn