Kinh doanh

Nhà ở Hong Kong đắt nhất thế giới suốt 11 năm

Giá bất động sản ở Hong Kong năm 2020 gấp 20,7 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình.

01/03/2021 08:57

Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới năm thứ 11 liên tiếp, nhấn mạnh sự chênh lệch thu nhập trong thành phố tài chính này, Bloomberg đưa tin.

Theo một báo cáo được công bố bởi Viện Cải cách Đô thị (URI) và Trung tâm Biên giới về Chính sách Công (FCPP), Hong Kong xếp trên Vancouver (Canada), Sydney (Australia) và Auckland (New Zealand) trong danh sách thị trường nhà đất khó chi trả nhất thế giới năm 2020.

Nhà ở Hong Kong đắt nhất thế giới suốt 11 năm - Ảnh 1.

Đại dịch ảnh hưởng đến giá bất động sản nhiều quốc gia. Ảnh: Roy Liu/Bloomberg

Giá bất động sản ở Hong Kong năm 2020 gấp 20,7 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình.

Vô số căn hộ ở Hong Kong thuộc hàng "siêu nhỏ", thường dưới 24m2 và không đủ tiện nghi sống cơ bản. Tuy nhiên, chúng vẫn được chào bán với giá 15 triệu HKD (645.000 USD). Ngoài ra, quá tải cũng là vấn đề phổ biến trong các tòa chung cư ở Hong Kong.

Việc giảm thu nhập và giá bất động sản leo thang trong năm vừa qua khiến khả năng chi trả của người dân ở hầu hết thành phố trên thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Vancouver đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng, với giá trị bất động sản trung bình gấp 13 lần thu nhập trung bình của hộ gia đình, so với con số 11,9 vào năm 2019.

Sydney vẫn giữ nguyên vị trí thứ ba trong danh sách thị trường nhà ở “ngoài tầm với”, theo sau là Auckland - thành phố nhảy vọt từ vị trí thứ 6 của năm 2019.

Nhà ở Hong Kong đắt nhất thế giới suốt 11 năm - Ảnh 2.

Các tòa nhà xập xệ, bên trong bị "chia 5 xẻ 7" ở Hong Kong. Ảnh: Sam Tsang

Nghiên cứu thực hiện trên 92 khu vực đô thị ở 8 quốc gia bao gồm Mỹ, Canada và Australia với dữ liệu từ quý 3 năm 2020.

Lượng lớn người mua mới, đặc biệt tại các vùng ngoại ô, là một trong những lý do khiến giá bất động sản leo thang ở những thành phố trên.

Nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình phải gánh chịu hậu quả tồi tệ từ nạn lạm phát nhà ở. Theo đó, chất lượng cuộc sống của họ sẽ tiếp tục giảm sút.

“Phần lớn sự bất bình đẳng giàu nghèo tăng lên trong những thập gần đây là do chi phí nhà ở tăng lên”, Bloomberg trích báo cáo.

Ý kiến của bạn