Nhà máy thủy điện Hòa Bình: Vì sao thiếu nước vẫn xây thêm tổ máy?
Một số chuyên gia và cựu quan chức cho rằng tình trạng thiếu nước tại hồ Hòa Bình tồn tại nhiều năm qua nên việc xây thêm 2 tổ máy “cần phải xem lại”.
Phóng viên VTC News đã trao đổi với đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nội dung: Việc thiếu nước tại hồ Hoà Bình có đảm bảo hoạt động của 8 tổ máy hiện hữu và 2 tổ máy sắp tới thuộc dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng hay không.
Ông Trần Viết Trung, Phó trưởng Ban Truyền thông EVN đã gửi email trả lời câu hỏi này như sau: “Do năm 2021 ở miền Bắc là năm hạn hán thiếu nước rất nghiêm trọng, đặc biệt là lưu vực sông Đà lần đầu tiên trong lịch sử không có lũ, các hồ chứa thủy điện lớn chỉ tích được từ 60 - 80% dung tích hữu ích vì vậy cần phải có các phương án, giải pháp sử dụng nước từ các hồ chứa (Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang…) linh hoạt để đáp ứng đến mức cao nhất nhu cầu sử dụng nước ở hạ du trong thời gian sắp tới (đặc biệt là xả nước đổ ải vụ Đông xuân 2021-2022 và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân).
EVN vẫn đảm bảo duy trì mực nước hợp lý và việc vận hành ổn định tin cậy tất cả các tổ máy của Thủy điện Hòa Bình nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của hệ thống trong giờ cao điểm và phục vụ cho các đợt xả tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông xuân 2021-2022 vào tháng 1,2/2022”.
Chưa rõ “phương án, giải pháp sử dụng nước từ các hồ chứa” của EVN là gì, nhưng tình trạng nhà máy thủy điện Hòa Bình thiếu nước không còn là vấn đề mới, hay nói cách khác vẫn đang hiện hữu.
Liên tục thiếu nước
Sau đây là các dữ liệu thống kê. Theo báo cáo của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tính đến 15h ngày 16/12/2019, mực nước hồ chứa đang xuống ở mức 101,14m - thấp hơn gần 16m so với mực nước dâng bình thường (117m).
Dung tích của hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với dung tích tại mực nước dâng bình thường là 3 tỷ m3 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 2,2 tỷ m3.
Năm 2019, tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong mùa lũ (từ tháng 6-9/2019) chỉ đạt 14,7 tỷ m3 và bằng 47% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm - thấp nhất kể từ khi đưa nhà máy vào vận hành.
Dự báo được đưa ra tại thời điểm cuối năm 2019 nhận định rằng, hồ Hòa Bình thiếu hụt thêm khoảng 300 triệu m3 nước nên việc cấp nguồn nước sinh hoạt cho Hà Nội cũng như phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2020 cho khu vực hạ du sẽ khó khăn.
Để đảm bảo cấp nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà, thủy điện Hòa Bình phải đáp ứng được 11-13 triệu kWh/ngày, tương đương 55-65 triệu m3 nước/ngày. Trong vận hành liên hồ, mực nước hồ Hòa Bình phụ thuộc vào hồ Sơn La. Để nâng mực nước tại hồ Hòa Bình lên, hồ Sơn La sẽ phải xả. Tuy nhiên, hồ Sơn La thời điểm này cũng đang thiếu hụt nước.
Ngày 4/5/2020, ông Nguyễn Văn Minh – giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình trao đổi nhanh với evn.com.vn về tình hình khô hạn nghiêm trọng ảnh hưởng tới công tác sản xuất của đơn vị.
Ông Minh cho biết, từ năm 2019, lượng nước tích của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đà đã thiếu hụt kỷ lục, dẫn đến hồ chứa không thể tích được đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm. Do khô hạn tiếp diễn, tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong 4 tháng đầu năm 2020 ở mức rất thấp, chỉ đạt xấp xỉ 4,2 tỷ m3, tương đương 89% so với trung bình nhiều năm. Ông Minh khẳng định, năm 2020, lượng nước về hồ Hòa Bình thấp nhất so với cùng kỳ, kể từ khi hồ thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành năm 2011.
Đến thời điểm cuối tháng 4/2020, sản lượng điện sản xuất của Công ty Thủy điện Hòa Bình chỉ đạt 1.387 tỷ kWh, đạt 16,8% so với kế hoạch năm (8.259 tỷ kWh), tương đương 67,8% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (2.046 tỷ kWh) và cũng là năm có sản lượng điện sản xuất kém nhất.
Sang năm 2021, chính EVN phải thừa nhận: “Thiếu hụt nguồn nước, Thủy điện Hòa Bình có thể ngừng phát điện về đêm”. Tập đoàn “kêu gọi dùng nước tiết kiệm vì thuỷ điện lưu vực sông Đà thiếu nước nghiêm trọng”.
Số liệu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) cho thấy, lượng nước tại lưu vực giữa của các hồ Hòa Bình và Sơn La chỉ bằng 20-65% so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng nước về trong giai đoạn mùa mưa trên nhánh sông Đà thiếu hụt khoảng 15 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm.
Tính đến ngày 23/9/2021, tổng lượng nước tích được ở các hồ thủy điện này chỉ đạt khoảng 9,76 tỷ m3, tương ứng 64,6% dung tích hữu ích (thiếu hụt khoảng 5,36 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường).
Theo EVN, việc duy trì vận hành liên tục nhà máy thủy điện Hòa Bình với yêu cầu lưu lượng cao (750 m3/s) trong năm nay và các năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, theo cân đối dài hạn trong những năm tới, khu vực miền Bắc tiếp tục phải đối diện với nguy cơ căng thẳng về nguồn điện.
“Nhiệm vụ chính không phải là phát điện”
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, khi lên kế hoạch xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Bộ Chính trị đặt nhiệm vụ là chống lũ, bảo vệ thủ đô Hà Nội và cấp nước, đảm bảo đồng bằng Bắc Bộ không bị đói, kèm theo đó là sản xuất điện để bổ sung lượng điện (không phải nhiệm vụ thiết yếu).
“Vậy nên dung tích hồ Hoà Bình được xây dựng hơn 9 tỉ m3, nếu chỉ có nhiệm vụ sản xuất điện thì hồ chứa sẽ không lớn đến thế. Hồ Hoà Bình luôn phải giữ được mức nước 4 tỉ m3 để cấp nước cho mùa khô”, ông Hồng nói.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, trước đây, khoảng tháng 2 hàng năm, hồ đều xả xuống hạ du khoảng 3 – 4 tỉ m3 nước. Nước từ hồ thuỷ điện Hoà Bình cấp nước cho cống Xuân Quan (công trình đầu mối lấy nước của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải) để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 11 vạn ha bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, sau đó nước sẽ xuống Hà Nam. Tuy nhiên hồ Hoà Bình hiện nay không còn quá nhiều nước nữa vì nước đã bị giữ ở thuỷ điện Sơn La.
“Chúng ta cần đặt lại câu hỏi, liệu hồ Hoà Bình hiện hữu có cho phép tăng mực nước để thêm 2 tổ máy hay không. Nếu đập Hoà Bình không đảm bảo thì không thể dâng nước lên, mở rộng thêm 2 tổ máy”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói với VTC News.
“EVN muốn thêm 2 tổ máy để tăng lượng điện của nhà máy nhưng EVN lại không nắm được yêu cầu phòng chống lụt, cung cấp nước cho hạ du và nguy hiểm hơn là đập Hoà Bình bị đe doạ an toàn. Vậy nên khi làm quy hoạch không ai có ý định nâng cấp nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, còn các công trình đặt tại miền Trung vẫn có phương án mở rộng từ khi xây dựng ban đầu, điển hình là thuỷ điện Ialy”.
“Hiệu quả của 2 tổ máy trong dự án nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng phải đứng sau vấn đề an toàn mùa lũ và chống hạn trong mùa khô”, vị chuyên gia nói thêm.
Ông Trần Văn Minh - nguyên PGĐ Ban QL&ĐT XD Thủy lợi 4, Bộ NN &PTNT nói, những năm gần đây, thời gian thừa nước của hồ Hoà Bình không nhiều, "với 8 tổ máy hiện tại có khi còn thiếu nước". "EVN giải thích rằng họ thực hiện dự án nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng với việc bổ sung 2 tổ máy là để bù công suất vào giờ cao điểm mùa hè. Tuy nhiên hiện nay việc bù công suất chúng ta có thể thực hiện bằng cách mua điện của Trung Quốc hoặc Lào, sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế", ông Minh nói.
Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Đại diện chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Điện 1
Tổng mức đầu tư công trình: 9220,83 tỷ đồng
Tư vấn thiết kế: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1
Nhà thầu thi công cụm công trình cửa xả: Liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần xây dựng 47, Công ty cổ phần Lilama 10
Khởi công: tháng 1/2021
Phát điện tổ máy 1: Quý III năm 2024
Phát điện tổ máy 2 và hoàn thành công trình: Quý IV năm 2024
Nguồn: Ban Truyền thông EVN
Tin nổi bật
Tin Video