Nhà mặt phố đại hạ giá, 'đỏ mắt' tìm khách thuê
Buôn bán khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh, nhất là nhà mặt phố giảm chưa từng có.
Nhiều ưu đãi, cam kết không tăng giá
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối tháng 10, trên nhiều tuyến phố sầm uất tại Hà Nội như Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Kim Mã (quận Ba Đình)... đâu đâu cũng phấp phới băng rôn, bảng biển mời gọi cho thuê nhà.
Không chỉ đại hạ giá, để đối phó với cảnh “vườn không nhà trống”, nhiều chủ nhà còn tung ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mại chưa từng có trong tiền lệ.
Trong vai khách tìm thuê mặt bằng, PV liên lạc với chủ một ngôi nhà 5 tầng, tổng diện tích 132m2 trên phố Kim Mã. Được biết, ngôi nhà này trước đây được thuê để kinh doanh nhà hàng với mức giá 43 triệu đồng/tháng.
Song sau một thời gian đóng cửa liên miên vì dịch bệnh, khách thuê đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Ngôi nhà hiện được rao tìm khách thuê với giá 36 triệu/tháng.
Sau một thời gian trao đổi, PV bày tỏ mối băn khoăn, lo lắng trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, rủi ro, chủ nhà đồng ý giảm giá thêm 6 triệu, về mức giá tròn 30 triệu/tháng (giảm 30%) với điều kiện ký hợp đồng 1 năm.
Còn nếu thanh toán 6 tháng 1 lần sẽ được miễn phí 1 tháng dịch vụ; thanh toán 12 tháng miễn phí dịch vụ 2 tháng và miễn phí tiền đặt cọc tương ứng 1 tháng tiền thuê.
Nằm trên mặt phố Tây Sơn, quận Đống Đa, căn nhà 2 tầng, thông sàn 120m2, mặt tiền 5m đang được chị Nguyễn Thúy Hoa, chủ nhà chào thuê với giá 45 triệu/m2. So với hồi PV khảo sát cách đây hơn 2 năm, giá chào thuê hiện tại đang thấp hơn 6 triệu đồng/tháng (giảm 11%).
Ngoài ra, nếu ký hợp đồng ngay, khách còn được miễn phí 2 tháng để “set-up” (sửa sang, thiết kế, bày biện…), nghĩa là từ giờ tới Tết sẽ không phải đóng tiền. Nếu khách thuê trả tiền 1 năm còn được miễn phí tháng 12 năm sau và cam kết 18 tháng tới sẽ không tăng giá.
“Trước đây, tôi chỉ miễn phí nửa tháng đến 1 tháng để set-up cửa hàng. Nhưng đợt này khó khăn chung, tôi miễn phí 2 tháng, coi như thay việc hỗ trợ cho cửa hàng mới”, vị chủ nhà chào mời.
Trên mạng tìm kiếm google cũng xuất hiện gần 100 triệu kết quả liên quan đến các từ khóa tìm kiếm liên quan đến cho thuê mặt bằng, cho thuê nhà mặt phố, cho thuê nhà mặt tiền, với đủ các chính sách ưu đãi, khuyến mại.
Vị thế thay đổi, khách thuê “ở cửa trên”
Theo ghi nhận, không chỉ có nhà mặt phố, khối đế thương mại ở các tòa chung cư có giá thuê cao hay trung tâm nội thành, nơi có mật độ người đông đúc như: MD Complex, A2 Mỹ Đình, Vinaconex3... cũng rơi vào thảm cảnh.
Theo thông tin từ Tập đoàn CBRE, tỷ lệ trống ở một số trung tâm thương mại tại khu vực Long Biên và xa trung tâm hơn như Nam Từ Liêm, Hà Đông từ 35 - 45%.
Trong khi đó, Savills Việt Nam nhận định, hiện nay giá thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại đang giảm từ 2 - 10% tùy từng vị trí.
Các vị trí giảm sâu là tầng 1 các trung tâm thương mại, dao động từ 5 - 10%. Phân khúc thương mại giảm chậm hơn so với nhà mặt phố bởi tiềm lực của khách thuê trung tâm thương mại mạnh hơn.
Bên cạnh đó, sau đợt dịch thứ tư này, “vị thế” giữa chủ nhà và khách thuê có phần thay đổi theo hướng cân bằng hơn thay vì “cửa trên”, “nắm đằng chuôi” như trước.
Thậm chí, một số trường hợp khách thuê còn ra điều kiện, “o ép” chủ nhà, sẵn sàng hủy hợp đồng nếu không đáp ứng yêu cầu của họ. Điển hình như trường hợp Thế giới di động An Nhơn, Bình Định hủy ngang hợp đồng khi chủ nhà không chịu giảm giá thuê mặt bằng gây chú ý vừa qua.
Trên thực tế, giá cho thuê mặt bằng chung trên thị trường đã giảm 1/3 so với giai đoạn trước dịch, chưa kể các ưu đãi khác.
Tuy nhiên, chủ tịch một hệ thống điện máy chia sẻ với Báo Giao thông, chi phí mặt bằng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi đó, suốt thời gian dài dịch bệnh, khách hàng của chuỗi này giảm ít nhất khoảng 40 - 50%, lượng khách còn lại chủ yếu mua hàng online, ship đến tận nhà.
Những cửa hàng thuộc vùng đỏ buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn.
“Ấy vậy nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, lãi ngân hàng, khấu hao cửa hàng, hàng hóa, nhân viên... Tính bình quân, một mặt bằng mở siêu thị điện máy trên toàn hệ thống dao động 70 - 130 triệu đồng/tháng. Bốn tháng không kinh doanh được là bị âm 280 - 520 triệu đồng/siêu thị.
Do đó, không có lý do gì để không hủy hợp đồng nếu bên cho thuê không chịu giảm giá. Và sau đó, chúng tôi có cơ hội thuê mặt bằng mới với mức giá thấp hơn ít nhất 30% so với trước”, vị chủ tịch nói.
Giữ chân khách thuê, cách nào?
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội lý giải, trong thời gian qua, sự phát triển của các sàn thương mại điện tử như: Facebook, Instagram, Grab, Tiki, Lazada, Shopee… giúp các nhà bán lẻ đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trong mùa dịch.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân kéo giảm nhu cầu thuê mặt bằng, bên cạnh khó khăn chung do dịch bệnh.
Theo bà Minh, về lâu dài, kênh bán hàng online không thể thay thế hoàn toàn mặt bằng bán lẻ truyền thống bởi hạn chế trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhu cầu trải nghiệm thực tế của khách hàng và uy tín của các nhãn hàng.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu mở rộng. Ví dụ, thay vì mở 20 điểm tại 1 thành phố thì nay giảm xuống còn khoảng 10 điểm...
Do đó, với các chủ nhà, đây cũng là “cuộc chiến” nhằm giữ chân khách hàng. Bên cho thuê nào có chính sách tốt sẽ giữ được khách.
Cũng theo bà Minh, những chính sách bên cho thuê có thể áp dụng hiện nay như: Hỗ trợ khách thuê với tiến độ thanh toán tiền thuê linh động hơn, theo tháng, theo quý thay vì phải đóng nửa năm, một năm như trước; chấp nhận các điều khoản thuê theo yêu cầu của nhãn hàng nước ngoài...
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Công ty Nhà ở ngay đánh giá, trước đây, những thương hiệu lớn sẵn sàng chi “khủng” để thuê mặt bằng đẹp, rộng thì nay họ co lại diện tích, thu hẹp lại quy mô, hoặc đổi sang khu vực có tiêu chuẩn thấp hơn.
Do đó, để giữ chân khách hàng hoặc tìm khách thuê mới thời điểm này, bên cho thuê cần những hỗ trợ thiết thực, linh hoạt như giảm giá thuê, miễn phí thời gian set-up cửa hàng dài hơn...
“Giả sử trong điều kiện bình thường, mặt bằng cho thuê 100 triệu đồng/năm, trong bối cảnh hiện nay giảm giá 40 triệu đồng/năm thì vẫn thu về 60 triệu đồng/năm, chỉ là ít hơn thôi. Ngược lại nếu không giảm giá, khách đang thuê bỏ đi, không tìm được khách thuê mới thì sẽ không thu về được đồng nào cả, trong khi đó mặt bằng bỏ trống sẽ xuống cấp, mất giá”, ông Huy nói.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 30%.
Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.
Năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.
Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đặt 52 tỷ USD.
Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận mạng internet, trong đó có gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm online, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng.