Tin tức

Nhà giáo Nhân dân với kỷ niệm mang chữ về bản

(VOVTV) - Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 20/11 hằng năm không chỉ là dịp để ngành giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, sự thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã và đang gắn bó với sự nghiệp trồng người cao cả.

Tác giả Thế Hiệp / VOVTV
19/11/2020 12:20

Nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Phóng viên chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với thầy: Lưu Xuân Giới – Nhà giáo Nhân dân, bên cạnh lòng say mê, niềm tự hào, sự nhiệt huyết cũng còn nhiều trăn trở với nghề.

Trong dịp kỷ niệm, tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014, trong danh sách 39 Nhà giáo Nhân dân được vinh danh, thầy Lưu Xuân Giới – nguyên trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vinh dự là một trong hai người nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân không công tác tại các trường đại học.

Lòng nhiệt huyết yêu nghề từ tuổi đôi mươi

Năm 1974, 19 tuổi tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm, thầy giáo tiểu học Lưu Xuân Giới không ngần ngại xung phong lên xã vùng cao Minh Cầm thuộc huyện miền núi Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh.

Thầy cho biết: "Khi đó mình biết ngành giáo dục tỉnh đang rất thiếu giáo viên vùng cao, chỉ suy nghĩ rằng bà con nơi đó khát con chữ nên xung phong về. Bản nơi thầy Giới về công tác khi ấy trắng điểm trường. Học sinh tiểu học lúc đó phải đi bộ gần 6 km đường núi, qua vài quả đồi mới đến điểm trường."

Ngay khi đặt chân đến thầy Giới đã cùng đồng nghiệp bắt tay ngay vào việc mở điểm trường mới. Vận động trẻ em đồng bào dân tộc Tày đến trường với thầy Giới khó mà dễ, chỉ đến nhà nói con cần học cái chữ thì khó nhưng nói đến trường được vui chơi em nào cũng hào hứng. 

Trong từng tiết học đến những ngày nghỉ hay dịp lễ, tết,…thầy Giới luôn kết hợp các trò chơi, sinh hoạt cộng đồng với việc dạy kiến thức cho trò, tổ chức thi các trò chơi giữa các bản. Học sinh nhân dân ai cũng hồ hởi, học trò từ 6 tuổi đến 20, 30 tuổi trong bản đều đến học ở điểm trường của thầy. 

 Nhà giáo Nhân dân với kỷ niệm mang chữ về bản - Ảnh 1.

Thầy Lưu Xuân Giới – nguyên trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Đông Triều (Quảng Ninh)

Ngay từ năm đầu tiên điểm trường mới Đồng Quánh của xã Minh Cầm nơi thầy Giới dạy đã có đến 6 lớp cả phổ thông và bổ túc, dạy học ngày 3 buổi sáng, chiều, tối tới tận 22h. Học trò đông, nhiều lứa tuổi thầy Giới đã thí điểm và thành công với sáng kiến áp dụng phương pháp dạy lớp ghép ở đồng bào dân tộc ít người. Đề tài của Thầy đã được báo cáo điển hình trong huyện. Sau 2 năm ngày thầy về với bản, điểm trường mới tại xã Minh Cầm đã trở thành điểm sáng giáo dục của huyện Ba Chẽ.

Năm 1976, thầy Giới được điều động về giảng dạy tại trường Dân tộc nội trú của huyện Ba Chẽ, cách điểm trường cũ gần 70km. Thầy vẫn  nhớ ngày từ điểm trường cũ về trường mới, đưa tiễn thầy giáo trẻ lên đường mà học sinh, bà con dân bản đã không ngại vượt qua mấy quả đồi, ai nấy đều bịn rịn khiến thầy không cầm được nước mắt. 

Học trò vẫy tay lưu luyến, người dân níu kéo cho củ khoai, cái bánh mong thầy sớm trở lại trường mãi là những kỷ niệm đẹp, có lẽ không bao giờ phai mờ trong suốt cuộc đời làm nghề "trồng người" cao quý của thầy giáo Lưu Xuân Giới.

Với lòng yêu nghề và năng lực giảng dạy, năm 1983 thầy giáo Lưu Xuân Giới được phòng Giáo dục và Đào tạo  huyện Ba Chẽ cử đi học ở trường Cao đẳng sư phạm tỉnh. Đến năm 1985, thầy được cử về dạy toán tại trường THCS Vĩnh Khê huyện Đông Triều. Từ năm 2003 đến 2015 thầy là phó trưởng phòng, rồi trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều).

Thầy giáo nổi tiếng với nhiều sáng kiến trong giảng dạy

Những năm đầu tiên khi bước vào nghề, điểm trường của thầy đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, để các em hiểu được những kiến thức trong sách giáo khoa không hề dễ dàng. 

Từ đó thầy hiểu dạy tiếng bắt đầu từ dạy từ, bằng cách thức sử dụng hình ảnh minh họa trong cuộc sống để giải thích cho những từ vựng. Qua đó, học sinh của thầy hiểu bài dễ dàng hơn và một sáng kiến cũng đã được ngành giáo dục huyện ghi nhận lúc đó là phương pháp dạy từ Tiếng Việt bằng tiếng dân tộc tày.

 Nhà giáo Nhân dân với kỷ niệm mang chữ về bản - Ảnh 2.

Thầy giáo Lưu Xuân Giới nổi tiếng với nhiều sáng kiến trong giảng dạy

Đến năm 1988, cả nước đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về công tác dân số, thầy Lưu Xuân Giới nghĩ rằng đây là vấn đề rất hay nếu được đưa vào các trường học thì hiệu quả tuyên truyền sẽ lớn hơn rất nhiều, đề tài của thầy đã được Ủy ban Dân số tỉnh Quảng Ninh vào cuộc hỗ trợ, được các thầy cô giáo và học sinh nhà trường hưởng ứng nhiệt tình và đã thành công với đề tài cấp tỉnh "Giáo dục dân số trong nhà trường phổ thông".

Năm 2008, thầy khởi động đề tài Nâng cao chất lượng giảng dạy bằng ứng dụng công nghệ thông tin thông qua xây dựng mô hình phòng giáo dục và thư viện điện tử, đến năm 2012 đề tài được thực hiện rộng rãi trên toàn tỉnh. 

Năm 2012, thầy Lưu Xuân Giới tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học thông qua phòng học thông minh, với ý tưởng để thầy cô giáo và học sinh tương tác với nhau một cách hiệu quả hơn thông qua mạng internet không dây. Đến năm 2014 đề án đã được ứng dụng thí điểm tại 40 trường tiểu học và THCS huyện Đông Triều và được công nhận là đề tài cấp tỉnh.

Trăn trở với nghề

Khi nói về những điều còn trăn trở với nghề, thầy Giới trầm tư hơn với những trăn trở về thực tế giáo dục phổ thông ở địa phương. Những năm gần đây, ngành giáo dục có  những chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt, tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm như hiện tượng bạo lực học đường, việc dạy thêm học thêm tràn lan, việc lạm thu trong trường phổ thông…

Một điều thầy Giới cũng rất quan tâm đó là, việc đổi mới giáo dục là tất yếu, song nó phải được quan tâm một cách đồng bộ từ cơ chế quản lý của ngành giáo dục, cơ chế họat động của các trường học, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học đến cơ sở vật chất kỹ thuật của các nhà trường… Còn đội ngũ giáo viên, những người quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường thì  họ đạng chịu quá nhiều áp lực từ sự chưa đồng bộ ấy.

 Nhà giáo Nhân dân với kỷ niệm mang chữ về bản - Ảnh 3.

Nhà giáo nhân dân Lưu Xuân Giới (bên trái) nhận Bảng vàng những gương mặt trí thức tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận KT-XH năm 2014

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới - luôn là tấm gương sáng của một nhà giáo, nhà quản lý mẫu mực, tận tâm và hết lòng vì sự nghiệp. Trên cương vị của Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Đông Triều, Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới đã có nhiều sáng tạo, tạo đột phá ở nhiều lĩnh vực công tác như: Xây dựng trường chuẩn Quốc Gia, Phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục các nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, Đề án xây dựng " Phòng giáo dục và đào tạo điện tử"....vv. 

Đến nay, các mô hình, đề án của Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới không chỉ giúp ngành giáo dục và đào tạo của thị xã có những bước tiến bứt phá, tạo ra bước phát triển mang tính nhanh, mạnh và bền vững; giúp ngành giáo dục và đào tạo thị xã Đông Triều trở thành điểm sáng của tỉnh mà qua đó đã góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 

Cùng với đó, nhiều mô hình, đề án của Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới đã được áp dụng nhân rộng trong toàn tỉnh và mang lại hiệu quả đáng trân trọng. Với những đóng góp đó, năm 2014, đồng chí Lưu Xuân Giới đã được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc; được Chủ tịch Nước tặng thưởng danh hiệu Nhà nước cao quý Nhà giáo Nhân dân. Đây không chỉ là niềm vui của ngành giáo dục mà còn là niềm tự hào của thị xã Đông Triều và của tỉnh Quảng Ninh.

Ý kiến của bạn