Nhà đầu tư chứng khoán có thể 'lướt sóng' ngắn hạn trong biên độ hẹp
VN-Index vẫn sẽ có xu hướng tạo lại nền tích lũy quanh vùng 1.500 điểm với biên độ khoảng +/- 10 điểm trong tuần này 21-25/2. Trong giai đoạn này, chiến lược đầu tư thích hợp sẽ là giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn trong biên độ hẹp với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các ngưỡng cắt lỗ và chốt lời.
VN-Index vẫn duy trì tín hiệu khả quan
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 14/2 đến ngày 18/2, VN-Index tăng 3,13 điểm (+0,21%) lên 1.504,84 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 21.991 tỷ trên HSX, giảm nhẹ 6,60% so với trung bình tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 8,72 điểm (+2,04%) lên mốc 435,61 điểm.
Dù VN-Index chỉ tăng nhẹ trong tuần qua nhưng chỉ có 4/21 nhóm ngành giảm giá, trong đó ngân hàng (-3%) dẫn dầu trong những “nỗ lực” dìm điểm thị trường. Tâm điểm trong tuần qua là các cổ phiếu thủy sản (+8,7%).
“Giá tiêu dùng tăng cao, đặc biệt tại các quốc gia đối tác nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam là nguyên nhân chính khiến nhóm ngành này “bay cao” trong tuần rồi. Nhóm Thủy sản sẽ tiếp tục được lợi trong ngắn hạn khi giá tiêu dùng tại các quốc gia này chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt”, ông Lê Văn Thành, chuyên viên phân tích Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho hay.
Ngoài ra, một nhóm ngành khác có diễn biến rất đáng chú ý trong tuần qua là hàng không (+6,0%) khi du lịch trong và ngoài nước mở cửa hoàn toàn.
Theo ông Lê Văn Thành, thị trường đang ở xu hướng tích lũy khi chưa có một ngành hay nhóm cổ phiếu nào đủ sức dẫn dắt thị trường bứt phá được mốc kháng cự là vai phải của mô hình vai đầu vai. Mặc dù vậy, điểm tích cực là VN-Index đã chinh phục mốc tâm lý 1.500 điểm trong tuần này, giúp tâm lý của giới đầu tư trở nên lạc quan hơn rất nhiều so với tuần trước đó.
“Xét trên biểu đồ tuần, VN-Index vẫn duy trì tín hiệu khả quan và chúng tôi kỳ vọng xu hướng tích cực sẽ tiếp diễn trong tuần này 21-25/2 khi mốc tâm lý 1.500 điểm đã bị chinh phục mà vẫn giữ được trong phiên điều chỉnh cuối tuần trước”, ông Lê Văn Thành nói.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ tiếp tục đà tăng
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), chỉ số nối dài đà tăng sau khi chinh phục thành công ngưỡng 1.500 điểm trong tuần trước, đi kèm với đó là thanh khoản cũng duy trì ở mức cao cho thấy nhà đầu tư đang tỏ ra lạc quan hơn về diễn biến của VN Index.
Trên thị trường quốc tế, nhà đầu tư cũng đang tỏ ra lạc quan vào khả năng căng thẳng Nga – Ukraine sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới, qua đó, khiến cho các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới nhìn chung đều diễn biến tích cực.
“Chỉ số vẫn sẽ có xu hướng tạo lại nền tích lũy quanh vùng 1.500 điểm với biên độ khoảng +/- 10 điểm trong tuần này. Trong giai đoạn này, chiến lược đầu tư thích hợp sẽ là giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn trong biên độ hẹp với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các ngưỡng cắt lỗ và chốt lời để đề phòng trường hợp thị trường bất ngờ xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm mạnh vượt ngoài kỳ vọng”, chuyên gia của VCBS lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, chỉ số VN-Index đã nhiều lần test lại ngưỡng 1.500 điểm trong các phiên với mức thanh khoản thấp, do vậy các ngưỡng hỗ trợ như MA50 hay MA100 có thể là vùng hỗ trợ trung hạn cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.
Với sự dịch chuyển của dòng tiền như hiện nay, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ tiếp tục đà tăng, do vậy chỉ số chung của thị trường có thể không tăng mạnh nhưng độ rộng và sự lan tỏa của dòng tiền sẽ tích cực.
Chuyên gia của MBS đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán tuần này 21-25/2. Theo đó, trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index giữ được vùng hỗ trợ 1.500 điểm chỉ số sẽ duy trì nhịp tăng hướng đến vùng đỉnh cũ quanh mức 1.515 – 1540 điểm.
Trong kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số sideway-up biên độ hẹp trong vùng dao động 1.470 – 1.515 điểm. Kịch bản thận trọng sẽ được kích hoạt trong trường hợp VN-Index điều chỉnh giảm xuyên vùng hỗ trợ 1.450 điểm khả năng sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn xuống những vùng hỗ trợ thấp hơn từ 1.400 – 1.450 điểm.
“Trong bối cảnh thị trường vẫn có thể rung lắc trước diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thế giới, nhà đầu tư hạn chế lướt sóng và cơ cấu danh mục với tỷ trọng hợp lý có thể chịu được các biến động trong ngắn hạn.
Về danh mục, có thể duy trì nắm giữ hoặc tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt hưởng lợi từ giá hàng hóa và xuất khẩu như: Nhóm Thép, Phân bón, Thủy sản, Dệt may, bất động sản (BĐS) và BĐS khu công nghiệp, Bán lẻ… hoặc các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế như hàng không, du lịch…”, chuyên gia của MBS khuyến nghị.
Tin nổi bật
Tin Video