Nguyên nhân nào khiến VN-Index 'rơi' 68 điểm?
(VOVTV) - Ngày 25/4 là một phiên buồn của chứng khoán Việt Nam khi hàng loạt nhóm cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh, VN-Index có thời điểm giảm hơn 80 điểm, đánh dấu mức kỷ lục từ trước đến nay.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, về mức giảm điểm trong phiên hôm nay có thể là kỷ lục, nhưng tính mức giảm theo tỷ lệ phần trăm thì đây không phải là phiên giảm mạnh nhất. Dù vậy, đây cũng là một trong những phiên giảm mạnh nhất lịch sử giao dịch. Về mặt bản chất, tâm lý bi quan hôm nay bị đẩy lên cao, các mã cổ phiếu, kể cả trong rổ cổ phiếu VN30 cũng bị bán rất mạnh.
“Tôi rất đồng cảm với nhà đầu tư cũng như là thị trường chung. Dù vậy, tôi nghĩ đây không phải là thời điểm nhà đầu tư bi quan, thực ra những thời điểm như thế này nhà đầu tư cũng đã trải qua rất nhiều lần. Thị trường về mặt bản chất có lên, có xuống , có thời điểm thì hưng phấn quá mức, có thời điểm sẽ khó khăn như hiện tại”, ông Tuấn nói.
Nguyên nhân giảm điểm hôm nay là ngẫu nhiên, nhưng nhìn sâu hơn thì nó là hội tụ của rất nhiều của rất nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là thị trường chứng khoán thế giới cũng giảm rất mạnh, trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất sắp tới. Thông đệp nâng lãi suất của Fed khá mạnh mẽ.
Yếu tố thứ 2 đó là câu chuyện thị trường trong nước. Không thể phủ nhận được thời gian vừa qua có rất nhiều nhóm cổ phiếu đã được tăng giá lên quá cao. Việc tăng giá quá cao, trong khi các nhà đầu tư sử dụng quá nhiều đòn bẩy margin (giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán) để đầu tư.
Hiện tại margin đã co hẹp lại, vì vậy thị trường cần phải có mức giá ở mặt bằng mới. Thực tế, nhiều nhà đầu tư chịu áp lực rất lớn về việc phải giảm đòn bẩy xuống để giảm rủi ro.
Ví dụ nhà đầu tư đang cầm khoảng 50% margin thì họ sẽ phải cắt hết margin hoặc cắt một phần để đảm bảo an toàn. Điều này dẫn tới áp lực giảm giá lên nhiều nhóm cổ phiếu, thậm chí là trên thị trường. Quan sát thị trường có thể thấy, đây là phiên bán của những người cắt margin.
Kinh tế trưởng MBS Hoàng Công Tuấn cho rằng, đây không phải là thời điểm bán cổ phiếu, mà chỉ nên cắt margin để tăng áp lực chịu đựng được lâu dài. Những nhà đầu tư không dùng margin thì có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Vì khả năng tăng lại của thị trường vẫn được đánh giá cao.
Ông Tuấn cho rằng, kinh tế của Việt Nam vẫn luôn giữ được ổn định và cổ phiếu cơ bản tốt sẽ phục hồi, chỉ có điều những nhà đầu tư đang “ôm” cổ phiếu với tỷ lệ sử dụng margin cao khó có thể chịu đựng được áp lực bán giải chấp từ các công ty chứng khoán. Khi cổ phiếu bị bán giải chấp thì cơ hội quay trở lại thị trường là khó khăn.
Tuy nhiên, qua nhịp giảm mạnh gần đây, nhiều cổ phiếu đã trở về mặt bằng giá rất rẻ, thậm chí nó còn quay trở lại ngưỡng của năm 2020. Chẳng hạn, một số mã nhóm cổ phiếu ngân hàng đã quay trở về gần mức giá của cuối năm 2020, đầu năm 2021, mức độ chiết khấu giá rất hiện tại đã rất sâu.
Thời điểm hiện tại nên nắm giữ cổ phiếu tốt, giảm áp lực đòn bẩy xuống và sau một vài phiên phục hồi nhà đầu tư sẽ thấy được giá cổ phiếu rất rẻ, nhìn lại có thể hối tiếc khi đã bán trong phiên hôm nay.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, từ phiên thứ Sáu (22/4) tuần trước, tình trạng giảm giá xảy ra ở các nhóm cổ phiếu cơ bản và đến hôm nay đã lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu khác.
Những thời điểm trước, tình trạng này diễn ra tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, sau đó đến nhóm cơ bản. Đến thời điểm hiển tại, tình trạng giảm giá diễn ra gần đều giữa các nhóm cổ phiếu. “Tình trạng này theo tôi là do nhà đầu tư bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ vay margin. Tôi cho rằng, tổng quy mô margin hiện cũng giảm từ 40 – 50%", ông Minh nói.
Với kinh nghiệm từ đợt cổ phiếu đầu cơ xảy ra tình trạng bán tháo, nhà đầu tư lo ngại tâm lý là áp lực này sẽ còn kéo dài. Vô hình chung họ chủ động bán ra và áp lực bán giải chấp từ các công ty chứng khoán, tạo ra hiệu ứng giảm giá “Domino" như hôm nay, thị trường giảm mạnh như vậy.
Việc bán giải chấp cổ phiếu sẽ được công ty chứng khoán thực hiện khi nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) sử dụng đòn bẩy tài chính và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền.
Bên cạnh đó, với tâm lý VN-Index giảm về 1.400 điểm thì kỳ vọng kế tiếp của nhà đầu tư là VN-Index giữ được mốc 1.350, cho nên khi xuyên thủng mốc này, thị trường lập tức lao dốc mạnh về ngưỡng 1.300 điểm.
“Tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường như hiện tại, các nhà đầu tư sử dụng margin đang chịu áp lực lớn nhất. Theo tôi nên đưa tỷ lệ margin về không, nếu không muốn chịu áp lực bán từ các công ty chứng khoán thì nên nộp thêm tiền để tăng an toàn vốn lên”, ông Minh nói
Từ thời điểm năm 2020 đến nay, đáng chú ý có cú sốc giảm điểm do COVID-19 và thực tế cho thấy, sau những thời điểm giảm “sốc’ thị trường sẽ tăng rất nhanh.
Nhưng câu chuyện là tài khoản phải tránh được việc cổ phiếu bị bán giải chấp. Đối với nhà đầu tư sử dụng vốn tự có thì nên chờ đợi và không bán ra tại thời điểm này, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị.