Nguyên nhân khiến Bắc Kinh và miền bắc Trung Quốc hứng chịu lượng mưa chưa từng có trong 140 năm
Sau khi cơn bão Doksuri đổ bộ vào cuối tháng 7, mưa lớn đã tàn phá thủ đô Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc, gây lũ lụt và thiệt hại cho một khu vực rộng lớn, có diện tích bằng cả nước Anh.
Theo hãng tin Reuters (Anh), bão Doksuri đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người dân phải sơ tán. Đây là cơn bão tồi tệ nhất tấn công Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua, trong đó thủ đô Bắc Kinh phải hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong 140 năm.
Mưa lớn kéo dài từ ngày 29/7 đến ngày 2/8 đã phá vỡ nhiều kỷ lục khí tượng địa phương. Một hồ chứa tại quận Xương Bình ở thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận lượng mưa 744,8 mm – mức cao nhất trong hơn 140 năm, vượt xa kỷ lục trước đó là 609 mm được thiết lập vào năm 1891.
Trận mưa như trút nước kéo dài đã khiến Bắc Kinh lần đầu tiên phải sử dụng một hồ chứa lũ kể từ khi xây dựng cách đây 25 năm để chuyển hướng dòng nước lũ.
Tại Hà Bắc, một trạm thời tiết địa phương đã ghi nhận lượng mưa 1.003 mm trong khoảng thời gian 3 ngày từ hôm 29/7 đến ngày 31/7. Lượng mưa này bằng lượng mưa của cả khu vực trong hơn nửa năm.
Theo các nhà khí tượng học Trung Quốc, bên cạnh tàn dư của cơn bão Doksuri, các luồng không khí ấm và ẩm cùng hơi nước do bão Khanun đang di chuyển chậm ở Tây Thái Bình Dương mang đến đã tạo điều kiện gây ra những trận mưa lớn.
Các nhà khí tượng học cho biết khi hoàn lưu của của các đám mây gây mưa của bão Doksuri di chuyển về phía bắc, một hệ thống áp suất cao cận nhiệt đới và lục địa trong bầu khí quyển đã chặn đường đi về phía bắc và phía đông, dẫn đến sự hội tụ của hơi nước và hoạt động giống như một con đập trữ nước.
Các đặc điểm địa hình trong khu vực cũng góp phần tạo nên hiện tượng thời tiết bất thường này. Khi một lượng lớn hơi nước tập trung ở phía bắc Trung Quốc, gió ở độ cao thấp đã thổi chúng bay lên, làm dịch chuyển mưa về phía đông dãy núi Thái Hành Sơn. Đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - bao gồm cả các quận Phòng Sơn và Môn Đầu Câu của Bắc Kinh.
Trong khi đó, một loạt các đám mây đối lưu cũng tập trung ở khu vực này, dẫn đến lượng mưa lớn trong một thời gian dài, càng làm trầm trọng thêm thiệt hại và gây khó khăn cho hoạt động cứu hộ.
Tại các khu đô thị của Bắc Kinh, hàng trăm con đường đã bị ngập lụt, các công viên và điểm du lịch phải đóng cửa. Tại 2sân bay lớn của thành phố, hàng trăm chuyến bay bị trì hoãn hoặc hủy. Một số tuyến tàu điện ngầm và xe lửa cũng bị đình chỉ hoạt động.
Tác động rõ rệt hơn của những trận mưa lớn thể hiện ở các vùng ngoại ô phía tây của thành phố. Tại các quận Phòng Sơn và Môn Đầu Câu, nước lũ dữ dội tràn xuống các con đường, cuốn trôi ô tô. Các ngôi làng ở khu vực miền núi cũng bị cắt điện, khiến chính quyền phải triển khai máy bay trực thăng để thả thực phẩm, nước uống và đồ tiếp tế khẩn cấp cho người dân.
Thành phố Trác Châu của tỉnh Hà Bắc, khu vực có hơn 600.000 dân ở phía tây nam Bắc Kinh, đã bị ngập một nửa, với khoảng 134.000 cư dân bị ảnh hưởng và 1/6 dân số thành phố phải sơ tán.
Mưa với cường độ lớn sau khi bão suy yếu là điều bất thường ở Bắc Kinh và các vùng lân cận. Theo truyền thông địa phương, thủ đô của Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 12 trận mưa lớn do bão gây ra kể từ khi dữ liệu được ghi chép.
Trong năm 2017 và 2018, cơn bão Haitang và Ampil đã gây ra lượng mưa hơn 100 mm ở Bắc Kinh. Một trong những đợt mưa lớn nhất là do bão Wanda gây ra vào năm 1956, với lượng mưa hơn 400 mm tại thành phố đông dân cư này.
Tin nổi bật
Tin Video