Tin tức

Nguyễn Diên Tuấn – Mang cốt cách người Việt vào cổ cầm Trung Quốc

(VOVTV) - Với những người yêu cổ cầm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, cái tên Nguyễn Diên Tuấn không mấy xa lạ. Vì cổ cầm, anh từng “mất tích” gần 1 năm khi đang học Tiến sĩ tại đây.

Tác giả Bích Thuận/VOV Bắc Kinh
12/10/2023 18:04

Đến nay, không chỉ có thể trình diễn và chế tác cổ cầm, người đàn ông thế hệ 7X đến từ Việt Nam này còn có thương hiệu đàn riêng mang tên “Nam Thiên Phường” và đào tạo được cả trăm học viên. Đưa những bản nhạc Việt vào cổ cầm là một trong những dự định tương lai của Tuấn.

Cổ cầm là loại nhạc cụ truyền thống Á Đông xuất xứ từ Trung Quốc và có lịch sử trên 3000 năm. Loại đàn này được mệnh danh là cây đàn của người quân tử. Những người chơi nhạc ở Việt Nam thường nói với nhau đây là cây đàn mà Khổng Tử thường chơi hay Khổng Minh chơi trên thành để đẩy lui quân địch.

Nguyễn Diên Tuấn đến với cổ cầm hết sức tình cờ và cũng như một lẽ đương nhiên. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Gio Linh, Quảng Trị, từ nhỏ Tuấn đã biết đến Hán tự thông qua ông nội. Năm 2005, anh sang Trung Quốc học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán. Do chuyên ngành bậc Tiến sĩ là Văn học cổ Trung Quốc, Tuấn tình cờ biết đến cổ cầm.

Nguyễn Diên Tuấn – Mang cốt cách người Việt vào cổ cầm Trung Quốc - Ảnh 1.

Nguyễn Diên Tuấn, người sáng lập thương hiệu cổ cầm Nam Thiên Phường

Đang học Tiến sĩ được gần 1 năm, anh bỗng dưng “biến mất”. Thầy Đới Kiến Nghiệp, giáo sư hướng dẫn từng đề nghị đuổi học Tuấn vì anh nghỉ suốt nhiều tháng mà không có lý do. Đến nay thầy Nghiệp vẫn không quên hình ảnh cậu học trò người Việt “cười xòa” khi gặp lại sau khoảng 1 năm “mất tích” và cây đàn cổ cậu tự tay chế tác gửi tặng như một lời chuộc lỗi.

“Sau này tiếp xúc với cậu ấy nhiều hơn, tôi phát hiện Nguyễn Diên Tuấn rất thông minh, khả năng lĩnh hội của cậu ấy rất cao. Luận án tốt nghiệp của Tuấn đã xuất bản ở Trung Quốc, khoảng 200.000-300.000 từ và bán rất chạy. Tôi đã viết lời nói đầu cho sách, lấy tựa đề là “Thoát tục”. Các nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc của tôi không ai được như cậu ấy. Chẳng hạn như chị, liệu trong lúc học Tiến sĩ chị có dám bỏ thầy tự ra ngoài học đàn không? Cậu ấy chả sợ. Tất cả vì đam mê.”

Nguyễn Diên Tuấn – Mang cốt cách người Việt vào cổ cầm Trung Quốc - Ảnh 2.

Thầy Đới Kiến Nghiệp, giáo sư hướng dẫn trong thời gian Tuấn học Tiến sĩ

Vì đam mê, Nguyễn Diên Tuấn đã sáng lập thương hiệu cổ cầm “Nam Thiên Phường” vào cuối năm 2010. Đến khi tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2012, anh đã có cho mình một phòng làm việc cùng tên. Năm 2017, Tuấn thành lập Công ty TNHH Truyền bá Văn hóa Nam Thiên Phường Vũ Hán.

Nói về cái tên Nam Thiên Phường, anh chia sẻ, ngoài các yếu tố như tao nhã hay trường phái đàn cổ, quan trọng hơn đây là cây đàn này do người Việt làm ra nên nhất định phải có yếu tố Việt Nam. “Có nhiều người cũng hỏi mình sao ở Trung Quốc lâu thế không về nước phát triển hoặc giúp cho nền cổ cầm Việt Nam. Mình nghĩ mỗi người có một lý tưởng, giai đoạn và có cách làm riêng. Ở bên này, bất kỳ làm gì, mình cũng luôn nghĩ mình là một người Việt và mình phải làm gì đó để người ta hiểu được và tôn trọng người Việt. Mình làm gì cũng để họ biết nền văn hóa Việt Nam dạy cho con người phải cần cù, tiết kiệm, đặc biệt là phải biết khiêm tốn, nhường nhịn. Cái đó là bản chất người Việt.”

Kể từ năm 2016 mở lớp dạy gẩy đàn và làm đàn đến nay, Nguyễn Diên Tuấn đã truyền bá kiến thức cổ cầm được cho hơn 100 học viên. Không chỉ trình diễn, chế tác và đào tạo học trò, Tuấn còn được mời tham gia các buổi nói chuyện và giảng dạy về văn hóa truyền thống Trung Quốc cho chính người Trung Quốc. Tuấn luôn tâm niệm, có “Đức” là có tất cả. Điều quan trọng nhất với anh không phải là đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp lớn mạnh đến đâu, mà cốt yếu là làm hết khả năng và đam mê với chữ “Đức” làm đầu.

Hiểu biết, đạo đức, cần cù, nhẫn nại..., là những đức tính khiến Tuấn được nhiều học viên tìm đến, bên cạnh tài năng. Chị Lưu Cốc Mai, học viên đã có 6 năm theo Tuấn và nay cũng đã trở thành một cô giáo cổ cầm, rất khâm phục sự mày mò chế tác đàn theo lối cổ của anh: “Tôi có duyên được gặp Thầy trong một buổi đọc sách.

Buổi đọc sách đã khiến tôi hiểu hơn về sự uyên thâm sâu dày của văn hóa truyền thống Trung Quốc và tiếng cổ cầm đã làm tôi rung động. Có thể nói Thầy đã thay đổi con người tôi. Làm đàn rất vất vả và thường bị dị ứng sơn, nhưng Thầy đã làm rất nhiều cây đàn và duy trì như vậy cả chục năm nay. Chỉ vì yêu thích Thầy đã dày công nghiên cứu, tự tìm tài liệu, tự học thành tài. Cứ một mình Thầy đi trên con đường này mà đi xa và tốt đến vậy quả thật không hề dễ dàng.”

Nguyễn Diên Tuấn – Mang cốt cách người Việt vào cổ cầm Trung Quốc - Ảnh 3.

Chị Lưu Cốc Mai, học viên đã theo thầy Tuấn 6 năm

Hách Tiếu Vũ và Trần Phán dù mới học chưa lâu, nhưng cũng rất ngưỡng mộ thầy Tuấn: “Ban đầu tôi không nghĩ đến việc sẽ học cổ cầm, nhưng sau đó tiếp xúc với Thầy, tôi đã dần bị cổ cầm và sự lôi cuối về nhân cách của Thầy chinh phục. Thầy là con người trong sáng và chân thành.”

“Thầy là người rất dễ chịu, không khiến người khác cảm thấy áp lực. Trong quá trình học chế tác cổ cầm, Thầy thường giảng giải cho chúng tôi về những điều cần chú ý. Thầy đã dạy chúng tôi mọi thứ một cách kiên nhẫn và cẩn thận.”

Giáo sư Đới Kiến Nghiệp cũng dành cho Tuấn sự đánh giá rất cao: “Cậu ấy rất giỏi văn Hán cổ. Nếu không nói chả ai biết cậu ấy là người Việt Nam. Có thể nói, Tuấn hiểu văn hóa Trung Hoa hơn ít nhất 70% người Trung Quốc. Điều này thực sự khiến tôi ngạc nhiên. Những cuốn sách cổ cậu ấy đã đọc cũng nhiều hơn 80% người Trung Quốc. Trong kết giao bằng hữu, cậu ấy không tư lợi. Bạn bè của cậu ấy khắp thiên hạ. Cậu ấy học đàn vốn không hề nghĩ đến việc kiếm tiền, đó thuần túy là một sở thích. Viết lách cũng vậy. Ở cậu ấy, tôi nhìn thấy khí phách của một người đàn ông.”

Nguyễn Diên Tuấn – Mang cốt cách người Việt vào cổ cầm Trung Quốc - Ảnh 4.

Tuấn dạy đàn cho người Trung Quốc

Với Tuấn, cổ cầm là một môn nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không có biên giới, sắc tộc hay vùng miền. Là người con xa quê nhiều năm, Tuấn nghẹn ngào mỗi khi nhắc về Tổ quốc và luôn đặt quê hương trong những dự định tương lai của mình: “Rất nhiều người đang cố gắng đưa nhạc hiện đại vào nhạc cổ cầm. Đây cũng là ước nguyện và cũng là kế hoạch trong tương lai mà mình hướng tới, đó là đưa những bài nhạc Việt mà mình yêu thích thành nhạc cổ cầm. Chắc chắn lá rụng thì về cội.

Giống như thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!” Khi còn ở trong nước, nói thực mình cũng không có nhiều khái niệm về yêu nước, nhưng khi đi ra bên ngoài mình mới thấy có nhiều người họ có những tư tưởng khác và quay lưng lại với đất nước, mình nghĩ đó là điều không nên. Khi mình có cơ may ra nước ngoài học hỏi thì mình nên có những ý tưởng hướng về Tổ quốc, hướng về đồng bào. Mình mong muốn sẽ về đó để trồng thêm thật nhiều hoa.”.

Ý kiến của bạn