Kinh doanh

Nguy cơ phá sản cận kề vì COVID-19, hàng không đề nghị hỗ trợ khẩn

Doanh thu giảm 80 - 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao… khiến doanh nghiệp hàng không bên bờ vực phá sản.

24/08/2021 15:27

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (Vaba) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội, từ khi bùng phát dịch COVID-19 lần 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80 - 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt, cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn.

Nguy cơ phá sản cận kề vì COVID-19, hàng không đề nghị hỗ trợ khẩn - Ảnh 1.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến các hãng bay lâm vào tình trạng nguy hiểm, do doanh thu giảm 80-90%

Nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, Vaba kiến nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh Thông tư 03/2021 ngày 2/4/2021 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Vaba kiến nghị mở rộng đối tượng, các khoản nợ được cơ cấu lại, cụ thể là áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát (cho cả các khoản giải ngân cả trước và sau ngày 10/6/2020).

Trên thực tế khó khăn của doanh nghiệp hiện tại do thiếu dòng tiền ngắn hạn để chi trả các khoản duy trì hoạt động sản xuất. Việc quy định chỉ tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trước 10/6/2020 khiến cho các khoản vay ngắn hạn gần như không nằm trong diện tái cơ cấu theo Thông tư 03. Điều này gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, từ đó phát sinh nợ xấu khiến không thể vay mới để duy trì hoạt động.

Vaba cũng kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi; giữ nguyên nhóm nợ; việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng - 6 tháng kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 (hoặc công bố trạng thái bình thường mới).

Lý do được VABA đưa ra là sau khi hết dịch bệnh thì doanh nghiệp vẫn cần thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng để ổn định trở lại, trong khi COVID-19 đã ảnh hưởng xuyên suốt 2020 cho đến nay và dự kiến còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài ít nhất là hết 2021.

Đối với các khoản vay trung và dài hạn, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cũng cần có thời gian ổn định, phục hồi sản xuất, cải thiện dần dòng tiền, tới khi có doanh thu trở lại thì mới có tiền để trả nợ ngân hàng.

Doanh nghiệp rất khó có thể đảm bảo duy trì dòng tiền để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất vừa trả nợ trong vòng 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả thời gian gia hạn nợ) như quy định tại Thông tư 03. Do đó, cần kéo dài thời gian cơ cấu lên 18 - 24 tháng hoặc thực hiện theo Thông tư 01 là "12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay”.

Cuối cùng, theo Vaba, Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ quy định cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay, cho thuê tài chính, trong khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh, do đó kiến nghị bổ sung áp dụng việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi đối với dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như bảo lãnh, LC, bao thanh toán…

Bên cạnh đó, để giảm áp lực về nguồn vốn, chi phí trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện TT01 và TT03 trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Vaba đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân đã và đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng, với số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn