Nguy cơ người châu Âu 'buông xuôi' Covid-19
Châu Âu đang tái áp đặt biện pháp hạn chế ngăn sóng Covid-19 thứ hai, song người dân lại có biểu hiện thiếu hợp tác vì đã quá mệt mỏi.
Châu Âu đang tái áp đặt biện pháp hạn chế ngăn sóng Covid-19 thứ hai, song người dân lại có biểu hiện thiếu hợp tác vì đã quá mệt mỏi.
Tâm lý cùng hướng về một mục tiêu chung, đoàn kết với các nhân viên y tế đẩy lùi dịch bệnh khi Covid-19 bùng phát hồi mùa xuân ở châu Âu giờ đây không còn. Thay vào đó, nỗi thất vọng đang bao trùm người dân, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp, khi thiệt hại của họ đã quá lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các biện pháp phong tỏa mới được đưa ra tháng này hướng tới các đối tượng cụ thể hơn so với hồi mùa xuân, thậm chí còn đi kèm các biện pháp hỗ trợ đáng kể cho những người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, làn sóng phản đối đang trỗi dậy ở khắp nơi, từ các vụ kiện ở Đức tới những cuộc bạo loạn, biểu tình chống các quy tắc phòng dịch mới ở Italy.
Theo những biện pháp hạn chế mới, nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm và các địa điểm thể thao, giải trí đa phần sẽ bị đóng cửa. Tại Pháp, lệnh giới nghiêm cấm người dân ra ngoài từ 22h tới 6h sáng hôm sau. Đức cấm các khách sạn đón khách du lịch trong vòng một tháng và cấm hoạt động mại dâm hợp pháp.
"Chính phủ đã lãng phí mùa hè và không chuẩn bị ứng phó với sóng lây nhiễm thứ hai, điều mà ai cũng biết sẽ tới. Bây giờ, họ lại sử dụng biện pháp phong tỏa y hệt trước đây", Antonio Bragato, chủ một nhà hàng ở Berlin, nói. "Nhưng nó không thể chấm dứt dịch bệnh".
Lần phong tỏa đầu tiên, Bragato đã phải vay 292.000 USD để cải tạo nhà hàng, đầu tư vào hệ thống sưởi ngoài trời và thông gió trong nhà nhằm đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Nhà hàng của Bragato chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nCoV nào.
Hiệp hội Chủ nhà hàng Đức Dehoga cho biết doanh thu từ tháng ba đến tháng 8 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái và họ đang tính kiện chính phủ. 1/3 trong 245.000 cơ sở kinh doanh ẩm thực đang đối mặt nguy cơ đóng cửa.
Các chủ quán bar ở Berlin hồi đầu tháng đã thành trong trong vụ kiện phản đối chính quyền địa phương ra lệnh đóng cửa tất cả quán bar trong thành phố trước 23h.
Hàng loạt chủ phòng gym cũng đang dồn dập phản đối những biện pháp hạn chế mới. "Đây thực sự là một thảm họa sau tất cả những gì chúng tôi đã đầu tư vào các biện pháp đảm bảo vệ sinh", Frank Bohme, giám đốc điều hành một chuỗi phòng gym ở Cologne, Đúc, phàn nàn. "Tôi buộc phải có hành động pháp lý chống lại chúng..., nhưng tôi sợ rằng rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thể sống sót qua mùa đông".
Tại thủ đô Paris, Pháp, Eric Hassan hôm 29/10 buồn bã đóng cửa hàng đồ cổ của mình trước Điện Élysée, nơi từng phục vụ vô số khách hàng quốc tế.
"Chúng tôi trước đây đã sa lầy rồi nhưng giờ thì chắc chắn chìm hẳn", Hassan chia sẻ. "Những gì chúng tôi đã xây dựng cả đời mình đang dần tan biến. Nền kinh tế đang sụp đổ, nhưng những chính trị gia và thượng nghị sĩ ngoài kia, họ vẫn có lương và tiền hưu".
Hassan còn là chủ một số cửa hàng đồ cổ khác tại Paris. Ông từng nhiễm Covid-19 hồi tháng ba nhưng hiện không còn bệnh. Theo Hassan, tâm lý chung của xã hội đã thay đổi. "Rất nhiều người sẽ không tuân thủ những biện pháp hạn chế. Lúc trước, chúng tôi đều là các chiến binh và làm theo những gì được bảo. Nhưng nay, không còn nữa. Mọi người phải nuôi sống gia đình họ", ông cho hay.
Tại quán bia Au XV Du Rond Point, Paris, kíp trưởng Josiane Doyhenart cảnh báo "nếu chính phủ cố gắng ngăn mọi người gặp mặt nhau và gia đình họ vào dịp Giáng sinh, sẽ có một cuộc cách mạng xảy ra".
Các chính trị gia khẳng định những biện pháp hạn chế mới là cần thiết trong bối cảnh bệnh viện sắp quá tải bệnh nhân Covid-19. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28/10 cho biết tốc độ lây lan của virus đang vượt qua cả những dự đoán tiêu cực nhất.
Pháp hôm 26/10 ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm nCoV mới và Tổng thống Macron nói rằng biện pháp phong tỏa có thể giảm con số trên xuống còn 5.000 ca vào ngày 1/12.
Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo Đức đang rơi vào tình cảnh vô cùng nguy hiểm sau khi nước này báo cáo 16.000 ca nhiễm mới ngày 29/10, mức tăng kỷ lục. Các biện pháp hạn chế, bao gồm đóng cửa nhà hàng, quán bar, phòng gym, phòng hòa nhạc và nhà hát, là cần thiết và tương xứng, bà tuyên bố trước quốc hội.
Tuy nhiên, các đảng đối lập từng ủng hộ cách phản ứng mà chính phủ của bà đưa ra hồi mùa xuân đang hoài nghi liệu những biện pháp hạn chế mới có tương xứng với thiệt hại mà nền kinh tế phải chịu hay không.
"Chúng tôi hy vọng các biện pháp hạn chế sẽ giúp ngăn chặn sóng lây nhiễm hiện nay nhưng chuyện gì sẽ xảy ra vào tháng 12", Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do đối lập, phát biểu trước quốc hội. "Liệu sẽ có một cuộc phong tỏa khác vào tháng một hay không? Không ai nói về điều đó".
Chính phủ Đức muốn giảm bớt các tác động đối với nền kinh tế bằng gói viện trợ trị giá gần 11,7 tỷ USD. Dù chi tiết về kế hoạch trên vẫn còn sơ sài, Bộ Kinh tế Đức hôm qua cho hay sẽ nhanh chóng hỗ trợ các công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ và người làm tự do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp mới.
Một cuộc thăm dò của Forsa thực hiện cho đài truyền hình Đức RTL cho thấy 50% người dân nước này ủng hộ tái áp đặt các biện pháp hạn chế trong khi 1/3 nghĩ rằng chúng quá mức và 16% nói chúng chưa đủ.
Chính phủ Pháp cho biết sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa bằng cách hỗ trợ họ trả lương nhân viên và cung cấp các khoản thanh toán bằng tiền mặt lên đến gần 11.700 USD cho các công ty có dưới 50 lao động.
Các tổ chức sử dụng người lao động Pháp cho rằng những biện pháp trên không đủ để ngăn chặn làn sóng phá sản.
Chính phủ Italy đã phê duyệt gói viện trợ trị giá hơn 5,8 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót, bao gồm những khoản trợ cấp và miễn thuế.
Đến nay, những biện pháp này chưa thể xoa dịu làn sóng phản đối ở Italy. Người dân đã xuống đường biểu tình, trong đó một số cuộc còn trở nên bạo lực. Người biểu tình đập phá cửa hàng, tấn công cả cảnh sát.
Các biện pháp mới nhất của Italy, được công bố hồi đầu tuần và có hiệu lực đến 24/11, bao gồm đóng cửa tất cả các quán bar và nhà hàng từ 18h, đình chỉ nhiều hoạt động thể thao và giải trí, đồng thời nối lại học trực tuyến tại các trường trung học.
"Những biện pháp mới được đưa ra dựa trên nguyên tắc thận trọng tối đa, tương xứng và đầy đủ", Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 29/10 nói trước quốc hội.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò do SWG công bố ngày 26/10 cho thấy chỉ 28% người được hỏi tại Italy cho rằng các biện pháp mới là phù hợp, 36% tin rằng chúng không đủ và 25% nghĩ chúng quá mức. 11% còn lại không có ý kiến.
"Họ đã tiêu diệt những người dân bình thường. Họ đang lấy đi tương lai của chúng tôi", Giorgio Perna, chủ một nhà hàng ở thành phố Bologna, phía bắc Italy, nói.
70% lượng khách của Perna đến sau 18h và ông không có ý định tuân thủ lệnh đóng cửa. Perna đã ba lần bị phạt, mỗi lần gần 470 USD. Ông dán những tấm vé phạt lên tường bên trong nhà hàng.
"Đây là vấn đề sống còn", Perna cho hay. Tối 28/10, nhà hàng của ông phục vụ 250 suất, một dấu hiệu cho thấy khách hàng đang ủng hộ ông.
Khách hàng cũng ủng hộ Chiara Casatello, chủ một quán cà phê ở Rovato, thành phố phía tây bắc Italy. Cô vẫn mở cửa quán bar của mình tới 20h và dán biển thông báo trước quán rằng "Tôi không đóng cửa vào 18h. Hãy bắt tôi đi".
Theo lời Casatello, 4 luật sư đã ngỏ ý sẽ đại diện cho cô nếu cô gặp vấn đề pháp lý. "Tôi rất tức giận", cô nói. "Lần này mọi thứ hoàn toàn khác. Mọi người đơn giản là không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra".