Nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế Mỹ sụp đổ hoàn toàn sau kỳ nghỉ lễ
Suốt hơn 1 tháng qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đều vượt quá 100.000 người, đe dọa sức chống đỡ của hệ thống chăm sóc y tế nước này.
Bang California (Mỹ) ngày 3/1 ghi nhận thêm 45.352 ca mắc Covid-19 mới, tiếp tục đợt gia tăng các ca bệnh đang đẩy hệ thống y tế Mỹ gần sát đến bờ vực sụp đổ.
Theo kênh CNN, không chỉ tại bang California, trên khắp nước Mỹ, các bệnh viện đang chạy đua để ứng phó kịp thời với lượng bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến chưa từng thấy vào bất kỳ thời điểm nào khác. Theo số liệu của Covid Tracking Project, ít nhất 123.000 người trên toàn quốc đã phải nhập viện do Covid-19 vào ngày 3/1, đánh dấu hơn một tháng số ca nhập viện trung bình ngày vượt quá 100.000 người.
Số lượng các ca mắc Covid-19 tăng vọt kể từ Lễ Tạ ơn, và các tác động từ lễ Giáng sinh và Năm mới vẫn đang diễn ra. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 3/1, trên 20,4 triệu người Mỹ đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó ít nhất 350.000 trường hợp tử vong.
Sự lây lan ngày càng tăng đã làm càng nhân viên y tế kiệt sức. Tại một bệnh viện ở California, một đợt bùng phát mới vào dịp Giáng sinh đã khiến gần 40 nhân viên đổ bệnh.
Các chuyên gia y tế lo ngại điều gì sẽ xảy ra với những con số này nếu các ca bệnh tiếp tục tăng nhanh một cách chóng mặt.
“Nếu chúng ta chứng kiến một đợt gia tăng số ca mắc khác, hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta sẽ sụp đổ hoàn toàn. Và chúng tôi, những người ở bệnh viện, không thể ngăn chặn được điều đó. Chúng tôi chỉ có thể phản ứng. Công chúng mới là những người có sức mạnh chấm dứt sự lây lan của virus”, Tiến sĩ Brad Spellberg – người đứng đầu Trung tâm Y tế Đại học Los Angeles phía Nam California – cho hay.
Sự gia tăng các ca mắc cũng làm hạn chế quá trình tiêm chủng. Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams giải thích: “Chúng ta phải hiểu rằng khi số các ca mắc gia tăng, nguồn lực địa phương có thể tham gia vào chương trình tiêm chủng nay sẽ phải điều động sang khu vực xét nghiệm và điều trị Covid-19, ứng phó với làn sóng gia tăng ca mắc. Chúng ta cũng cần hiểu rằng tình trạng này xảy ra trong kỳ nghỉ và những người tại các cơ sở y tế, bệnh viện cũng cần được nghỉ”.
Các quan chức chính phủ liên bang cho biết họ có kế hoạch tiêm chủng cho 20 triệu người vào cuối năm 2020, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu đó.
Trên 13 triệu liều vaccine đã được chính phủ liên bang phân phối cho các tiểu bang và quận địa phương, trong đó, trên 4,2 triệu liều vaccine đã được tiêm. Chúng bao gồm cả vaccine Moderna và Pfizer/BioNTech.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, ngày 3/1 cho biết Mỹ đang bị tụt lại phía sau trong việc quản lý phân phối vaccine nhưng hy vọng tốc độ này sẽ tăng lên trong tháng 1. "Nếu nhìn vào 72 giờ qua, có khoảng 1,5 triệu liều vaccine đã tới tay người dùng, trung bình khoảng 500.000 liều/ngày. Chúng ta phải làm tốt hơn nữa", ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Leana Wen, cựu Ủy viên Y tế Baltimore, nhận định chính phủ liên bang cần đóng vai trò tích cực hơn trong các nỗ lực tiêm chủng hàng loạt. "Vấn đề là các sở y tế địa phương và tiểu bang đã và đang làm mọi thứ hết sức có thể. Họ là những người đẩy mạnh việc xét nghiệm và truy tìm tiếp xúc, thực hiện tuyên truyền giáo dục công chúng, và bây giờ đảm nhận nhiệm vụ phát động chiến dịch tiêm chủng. Họ thực sự cần sự hỗ trợ của chính phủ liên bang”, Tiến sĩ Wen kết luận.
Tin nổi bật
Tin Video