Tin tức

Nguy cơ 'biến mất' của người Nhật Bản

(VOVTV) - Thượng nghị sĩ Masako Mori, một cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Kishida mới đây nhận định, Nhật Bản sẽ “biến mất” nếu không thể kìm hãm tốc độ giảm tỷ lệ sinh.

Tác giả Bùi Hùng/VOV Tokyo
07/04/2023 11:56

Nhật Bản sẽ “biến mất” nếu không thể kìm hãm tốc độ giảm tỷ lệ sinh

Thượng nghị sĩ Masako Mori, một cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây nhận định, Nhật Bản sẽ “biến mất” nếu không thể giải quyết tốc độ giảm tỷ lệ sinh. Nhận định tưởng chừng “hơi quá” này là nhận định phản ánh thực tế của Nhật Bản.

Trong khi một số nước trên thế giới, dân số có xu hướng tăng, ngược lại tại Nhật Bản đồng thời với tỷ lệ người già gia tăng, số trẻ em được sinh ra ngày càng giảm. Theo số liệu đã được công bố, số trẻ em sinh ra ở Nhật Bản trong năm 2022 đã xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 7 năm liên tiếp và lần đầu tiên xuống mức dưới 800.000 trẻ.

Số ca sinh ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm kể từ khi đạt đỉnh với khoảng 2,09 triệu vào năm. Năm 1984, con số này giảm xuống còn 1,5 triệu trẻ và xuống dưới 1 triệu trẻ vào năm 2016. Ngoài ra, tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản, tức số con trung bình mà một phụ nữ sẽ sinh trong đời là 1,30 vào năm 2021, giảm 0,03% so với năm trước, đánh dấu mức giảm năm thứ 6 liên tiếp.

Không chỉ các nghị sĩ, ngay cả Thủ tướng Nhật Bản cũng lo lắng về tình trạng này. Bộ trưởng phụ trách vấn đề trẻ em Masanobu Ogura cũng đưa ra cảnh báo rằng, vài năm tới đây có thể là "cơ hội cuối cùng" để Nhật Bản đảo ngược tình trạng giảm tỷ lệ sinh. Nếu số ca sinh tiếp tục đi xuống với tốc độ kể từ đầu năm 2000, dân số trẻ vào những năm 2030 sẽ giảm gấp đôi so với hiện tại. Với tình hình như hiện nay, nếu không có chính sách đột phá nào đó thì tỷ lệ sinh tại Nhật Bản có khả năng sẽ tiếp tục giảm.

Tỷ lệ sinh giảm đang làm cho dân số Nhật Bản già hóa một cách nhanh chóng. Điều này sẽ tác động rất lớn đến các mặt đời sống - xã hội, đặc biệt là khi nước này phải đảm bảo nguồn ngân sách ngày càng nhiều hơn cho các chương trình an sinh xã hội như lương hưu và chăm sóc y tế cho người già.

Nguy cơ 'biến mất' của người Nhật Bản - Ảnh 2.

Học sinh Nhật Bản trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: Bùi Hùng

Giải pháp giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm

Một bộ trưởng nội các Nhật Bản chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm của nước này vừa công bố dự thảo nhằm đảo ngược tình hình.

Trên thực tế, không phải chỉ lần này mới có dự thảo liên quan đến vấn đề dân số nói chung trong đó nhấn mạnh vấn đề dân số ngày càng giảm, mà trước đó đã có nhiều dự thảo tương tự, nhưng lần này có tính quyết liệt hơn và bổ sung những chính sách tốt hơn để các vợ chồng trẻ có hứng thú trong việc sinh con.

Tại Nhật Bản, các em trong độ tuổi mầm non từ 1-6 tuổi đến trường hầu như không phải mất chi phí nhiều. Chính phủ Nhật Bản hàng tháng hỗ trợ 15.000 yen cho 1 cháu. Bữa trưa tại trường được miễn phí. Ngoài ra, cũng như các nước khác, bảo hiểm y tế sẽ chi trả 100% chi phí y tế, ngay cả khi có đại phẫu thuật cũng không cần phải trả thêm chi phí nào. Nhật Bản cũng đang thảo luận xem có thể tăng tiền hỗ trợ hàng tháng cho các cháu thêm được không.

Tuy nhiên, với những nguyên nhân chủ yếu như chi phí sinh con và nuôi con đắt đỏ, khó kiếm việc làm, thời gian làm việc của người đàn ông chiếm gần hết nên không thể hỗ trợ vợ chăm con, phụ nữ hiện đại ngại kết hôn và sinh con… đã khiến tỷ lệ sinh giảm không được cải thiện trong nhiều năm qua.

Để giải quyết các vấn đề trên, kế hoạch của Dự thảo mới về dân số Nhật Bản được công bố vào ngày 31/3 vừa qua đã chú trọng tới việc tăng hỗ trợ tài chính với nhiều khoản trợ cấp hơn cho việc nuôi dạy con cái, các khoản vay cho sinh viên học đại học, kinh phí cho khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ em… Cụ thể là tập trung đề xuất trên bãi bỏ hạn mức thu nhập của cha mẹ để được nhận trợ cấp chính phủ, các khoản hỗ trợ cũng sẽ được gia hạn cho đến khi trẻ tốt nghiệp trung học. Theo đó, mục tiêu tiến hành trong khoảng thời gian 3 năm, bắt đầu từ tháng 4/2024.

Trước đó, năm 2021, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép nam giới Nhật Bản nghỉ chế độ thai sản, cụ thể là hưởng 4 tuần nghỉ phép linh hoạt với mức lương lên tới 80%. Bên cạnh đó, chính phủ đã cải cách thị trường nhằm tăng lương và hỗ trợ kinh tế cho lao động trẻ, cho những người lao động tự do về các khoản trợ cấp bổ sung để hỗ trợ nuôi con, giáo dục và nhà ở. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng đây là một biện pháp tốt vì không chỉ cải thiện chính sách gia đình mà còn tăng cường bình đẳng giới.

Mặc dù vậy, nam giới vẫn lo ngại việc nghỉ phép ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng thăng tiến và họ có thể bị phân công sang những vị trí khác ít quan trọng hơn. Theo đó, trường hợp nghỉ phép này cũng chiếm tỷ lệ rất ít.

Dựa trên thực tế trên, người dân Nhật Bản tích cực đón nhận dự thảo đảo ngược. Trong chính phủ Nhật Bản, các tầng lớp doanh nhân, chuyên gia ủng hộ mạnh mẽ dự thảo.

Yếu tố “văn hóa” trong quan niệm của người Nhật Bản về kết hôn, sinh con

Khi nói về tỷ lệ sinh đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng ở Nhật Bản, nhiều người đã nhắc tới yếu tố “văn hóa” trong quan niệm của người Nhật Bản về kết hôn, sinh con. Có nghĩa là chính sách tốt có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn khi tư duy của từng người dân còn băn khoăn về việc sinh con.

Trong văn hóa của người Nhật Bản, yếu tố cá nhân, cụ thể là tư duy độc lập của từng cá nhân được coi trọng, thể hiện tính dân chủ và không bị chi phối bởi yếu tố luật pháp, trừ những tư duy lệch lạc, có xu hướng tội phạm. Trong gia đình, vợ không thích sinh con, người chồng không thể ép buộc và ngược lại. Theo dữ liệu điều tra mới đây, phần lớn người trẻ có độ tuổi từ 18 đến 34 tuổi cho biết, họ hy vọng sẽ kết hôn vào một thời điểm nào đó nhưng dự định sinh ít hơn hai con hoặc không sinh con. Mặt khác, tỷ lệ không có ý định kết hôn ngày càng gia tăng.

Nhật Bản là đất nước văn minh, nhưng chỉ số về bình đẳng giới lại không cao hơn so với một số nước khác. Hiện nay tình trạng này đã được cải thiện đáng kể khi người phụ nữ đã tham gia vào hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế…ngày càng nhiều. Và giai đoạn này người phụ nữ giống như được giải phóng và họ muốn làm việc chứ không muốn kết hôn, hay lại ở nhà sinh con, nấu ăn. Nếp sống của người phụ nữ Nhật đã có sự thay đổi lớn, người phụ nữ thích chọn sự nghiệp hơn là con cái.

Nhật Bản tuy là nền kinh tế lớn, nhưng chi phí sinh hoạt cao, việc tăng lương thực hiện chậm, khoảng 40% lao động là bán thời gian hoặc lao động hợp đồng nên thu nhập không cao.

Mặc dù vậy, Nhật Bản đang muốn tạo ra một xã hội nơi thế hệ trẻ có thể kết hôn, sinh con và nuôi dạy con cái theo ý muốn. Hướng cơ bản trong các biện pháp là hỗ trợ mưu cầu hạnh phúc của các cá nhân. Theo đó, tình trạng dân số giảm tại Nhật Bản sẽ có những dấu hiệu được cải thiện.

Ý kiến của bạn