Nguy cơ Afghanistan thất thủ sau khi Mỹ rút quân
(VOVTV) - Những kịch bản nào đang chờ đợi Afghanistan trước khoảng trống an ninh mà Mỹ và liên quân để lại, trong bối cảnh kết quả các cuộc đàm phán hòa bình thời gian qua vô cùng khiêm tốn?
Những ngày qua, sau khi Mỹ và các đồng minh lần lượt rút quân, lực lượng phiến quân Taliban tại Afghanistan liên tiếp thúc đẩy các chiến dịch tấn công trên khắp đất nước, đánh chiếm thủ phủ của nhiều tỉnh thành, khu vực trọng điểm và khiến nhiều người thương vong. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo một giai đoạn nguy hiểm mới tại quốc gia Trung - Nam Á này.
Giai đoạn nguy hiểm mới tại Afghanistan
Mới đây đại diện Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về giai đoạn nguy hiểm mới tại Afghanistan khi Taliban ồ ạt tấn công quân chính phủ và giành được nhiều thủ phủ quan trọng ở nước này.
Đất nước Afghanistan đã bước vào tình trạng nội chiến. Đó là điều không cần phải bàn cãi vào thời điểm này. Lực lượng Hồi giáo vũ trang mang tư tưởng cực đoan Taliban đang ở thế thượng phong trong cuộc xung đột tại Afghanistan. Ngay từ thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố việc rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4, Taliban cũng đã khởi động chiến dịch của mình nhằm giành lấy ưu thế về tinh thần và sự bất ngờ. Sau gần 4 tháng phát động tấn công vào các lực lượng an ninh chính phủ và mở rộng lãnh thổ, Taliban đến ngày 10/8 đã kiểm soát 65% lãnh thổ Afghanistan.
Trong 5 ngày qua, Taliban đã chiếm giữ được 7 tỉnh lỵ của các tỉnh ở phía Bắc và phía Tây nước này. Đáng chú ý nhất là việc Taliban đã kiểm soát được hầu hết khu vực biên giới của Afghanistan. Đây là lợi thế cơ bản để giúp lực lượng này kiểm soát việc ra vào đất nước, ngăn chặn hoạt động giao thương kinh tế và tiếp viện của các nước láng giềng cho chính phủ, đồng thời kiểm soát cả dòng người di cư chạy thoát khỏi bạo lực.
Điều quan trọng lúc này không chỉ là khí thế tấn công của Taliban đang áp đảo, mà là khả năng cầm cự và đáp trả của các lực lượng an ninh và quân đội của chính phủ quá yếu ớt. Như hồi đầu tháng 7, hơn 1.000 binh lính Afghanistan đã tháo chạy sang nước láng giềng phía Bắc Tajikistan sau một loạt cuộc giao tranh với lực lượng Taliban. Các binh lính này cho rằng họ phải bỏ chạy vì các yêu cầu tiếp viện của họ không được đáp ứng.
Mặc dù lực lượng chính phủ được trang bị vũ khí của Mỹ và phương Tây, được quân đội NATO huấn luyện suốt 20 năm qua nhưng giờ họ không tạo ra nhiều khác biệt trên chiến trường, khi binh lính nước ngoài rút đi. Đó chính là điểm mấu chốt khiến Taliban có thể thỏa sức tấn công và giành chiến thắng.
Cán cân sức mạnh giữa các lực lượng ở Afghanistan
Thực tế trên, chiến trường những tuần vừa qua đã có thể thay lời giải thích cho cán cân sức mạnh và tinh thần giữa lực lượng chính phủ Afghanistan và Taliban. Còn việc người phát ngôn Lầu Năm Góc cho rằng chính quyền Kabul có đủ khả năng đứng vững trước làn sóng tấn công của Taliban đơn giản chỉ là một tuyên bố nhằm thoái thác trách nhiệm của Mỹ tại đây mà thôi.
Nó cho thấy một thực tế là phía Mỹ đã coi như hoàn thành trách nhiệm với chính quyền Afghanistan. Họ cơ bản đã kết thúc nhiệm vụ xóa sổ các nguy cơ khủng bố với nước Mỹ. Họ cũng đã có các ưu tiên chiến lược khác nên giờ có thể tạm gác lại mặt trận Afghanistan để chính người dân nước này tự quyết định tương lai của mình.
Dĩ nhiên chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng không vui vẻ gì trước thực tế ngày càng khắc nghiệt này. Không ít lần chính ông Ghani và các quan chức trong chính quyền của ông đã đổ lỗi cho phía Mỹ về làn sóng bạo lực đẫm máu hiện nay.
Phía Chính phủ Afghanistan cho rằng việc Mỹ rút quân quá đột ngột là nguyên nhân trực tiếp khiến Taliban trỗi dậy và đẩy tình hình an ninh vào chỗ tồi tệ. Động thái này tạo ra khoảng trống về an ninh, khiến lực lượng chính phủ Afghanistan không kịp ứng phó với áp lực của Taliban. Sâu xa hơn, việc Mỹ trực tiếp đàm phán với Taliban để đạt được thỏa thuận hòa bình tại Doha tháng 2/2020 bắt nguồn cho mọi thay đổi hiện nay.
Kể từ đó, Taliban đã có 1 vị thế khác trên bàn đàm phán và trong các thỏa thuận với các cường quốc có liên quan. Để rồi từ đó, Taliban có những tính toán cho riêng mình.
Nói đi cũng phải nói lại, chính quyền Afghanistan cũng phải tự trách mình. 20 năm qua, Kabul nhận viện trợ của Mỹ, được bảo trợ an ninh của Mỹ và NATO. Các lực lượng an ninh và quân đội được Mỹ huấn luyện và trang bị nhưng vẫn không thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Các phe phái chính trị chẳng thể thống nhất được quan điểm, tổ chức để lãnh đạo đất nước và tập hợp các bộ tộc địa phương. Chính vì thế mà thời gian qua, nhiều khu vực lãnh thổ đã nhanh chóng rơi vào tay Taliban mà không cần vũ lực.
Triển vọng đàm phán hòa bình
Các cuộc đàm phán chắc chắn đã chấm dứt bởi hai bên đã có lựa chọn của mình. Taliban, với đà thắng lợi hiện nay sẽ coi vũ lực là chìa khóa duy nhất để giành lại quyền lực. Chắc chắn Taliban đang tính toán các phương án để siết dần vòng vây xung quanh thủ đô Kabul và chấm dứt chế độ dân chủ do Mỹ dựng lên ở đây.
Còn với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani, trở lại bàn đàm phán lúc này không còn ý nghĩa gì. Thậm chí, giải pháp này cũng không thể làm chậm lại đà sụp đổ của chính quyền trước áp lực của Taliban. Các quan chức chính quyền Afghanistan từ lâu đã hiểu rằng việc Taliban chịu đối thoại chỉ là cách để họ kéo dài thời gian, làm hài lòng Mỹ và buộc Mỹ rút quân đi mà thôi. Thực tâm, vũ lực vẫn là lựa chọn của lực lượng này.
Phía chính phủ Afghanistan cũng đã rất miễn cưỡng trước sức ép của Mỹ khi dự các cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan. Họ cũng chẳng có niềm tin vào tương lai hợp tác và chia sẻ quyền lực với Taliban.
Với những yếu tố đó, một tương lai nội chiến đẫm máu đang chờ đợi Afghanistan ở phía trước. Cuộc chiến này có thể còn kéo dài và tổn thất rất nặng nề, xóa sạch những thành quả phát triển ở đất nước này trong 20 trước đó.
Tin nổi bật
Tin Video