Tin tức

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn'

(VOVTV) - Đó là điều Vương Mỹ Lượng – một trong 10 sinh viên/nhóm sinh viên có đề tài đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, rút ra được trong quá trình tham gia nghiên cứu và tiếp xúc với nhiều bạn trẻ có niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Tác giả Anh Văn / VOVTV
19/05/2021 06:16

Dù gia đình không có ai theo nghiệp y khoa nhưng với quan niệm "nhất Y, nhì Dược", Vương Mỹ Lượng (sinh năm 1997) sớm được bố mẹ định hướng tương lai nghề nghiệp. Bản thân chàng trai sinh ra và lớn lên tại huyện Quốc Oai (thành phố Hà Nội) cũng có mong muốn tham gia vào quá trình cứu chữa người bệnh nên sau khi học hết cấp 3, Lượng quyết định thi vào trường Đại học Dược Hà Nội.

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn' - Ảnh 1.

Vương Mỹ Lượng – một trong 10 sinh viên/ nhóm sinh viên có đề tài đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020

Giống như nhiều cô cậu sinh viên khác, trong hai năm đầu đại học, Mỹ Lượng cảm thấy khá khó tiếp thu những môn đại cương như Hoá vô cơ, Vật lý đại cương… nên thành tích học tập không được tốt. Bước sang năm ba, khi đến với các môn chuyên ngành mang tính thực tiễn, Lượng mới dần có hứng thú học tập.

"Với suy nghĩ rằng cần có điểm nhấn gì đó trong quãng thời gian ngồi trên giảng đường đại học, đầu năm ba, tôi đã ứng tuyển vào Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR) – một đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc trường Đại học Dược Hà Nội.

Ban đầu tôi chỉ làm một số công việc hành chính tại trung tâm, đến năm thứ tư tôi được tham vào hoạt động nghiên cứu thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Quãng thời gian này, tôi có hỗ trợ đề tài nghiên cứu cho một anh sinh viên năm cuối" – Lượng kể.

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn' - Ảnh 2.

Khi còn là sinh viên, Lượng được tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu thực tế tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai

Năm học 2019 – 2020, cũng là năm cuối đại học, dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Vũ Đình Hoà – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc, Vương Mỹ Lượng đã bắt đầu nghiên cứu đề tài "Triển khai phác đồ truyền tĩnh mạch liên tục vancomycin trên bệnh nhân lọc máu liên tục thông qua giám sát nồng độ thuốc trong máu tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai". 

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn' - Ảnh 3.

Mỹ Lượng thực hiện nghiên cứu khoa học khi bước sang năm cuối đại học

"Đề tài xuất phát từ nhu cầu thực tế điều trị của các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai bởi tại đây có rất nhiều bệnh nhân lọc máu liên tục. Từ đây, đặt ra câu hỏi chế độ liều lượng của bệnh nhân lọc máu liên tục sẽ như thế nào. Dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Vũ Đình Hoà, tôi đã bắt đầu nghiên cứu đề tài này" – Vương Mỹ Lượng chia sẻ.

Là một đề tài mới, có khá ít tài liệu viết về vấn đề này nên Lượng gặp khó khăn trong việc tìm hướng nghiên cứu. "Nhiều lúc nản lòng, muốn từ bỏ, không biết hướng nghiên cứu của mình có đem lại kết quả không. Quả thật vô cùng áp lực. Nhưng tôi luôn động viên bản thân mình tiếp tục cố gắng vì nhận thấy tính ứng dụng thực tiễn của đề tài và nếu thành công sẽ giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân và các bác sĩ" – Lượng tâm sự. 

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn' - Ảnh 4.

Lễ tổng kết và trao giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020 được tổ chức vào tháng 11/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tại lễ trao giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020 được Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, đề tài của Mỹ Lượng là đề tài duy nhất thuộc lĩnh vực Khoa học Y dược đạt giải nhất.

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn' - Ảnh 5.

Vương Mỹ Lượng có đề tài đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2020 thuộc lĩnh vực Khoa học Y dược

Nói về tính ứng dụng của đề tài đến thời điểm hiện tại, Lượng cho biết: "Sau khi thực hiện xong, đến nay đã hơn một năm, đề tài của tôi được đưa vào thực hành thường quy tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, áp dụng trực tiếp trên bệnh nhân và cho kết quả rất tốt".

Tốt nghiệp đại học, Vương Mỹ Lượng hiện đang là dược sĩ lâm sàng công tác tại khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang với nhiệm vụ làm việc trực tiếp với bác sĩ, các chuyên gia y tế khác và bệnh nhân để đảm bảo các loại thuốc được kê đơn và sử dụng cho cho bệnh nhân đạt được kết quả tốt nhất.

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn' - Ảnh 6.

Vương Mỹ Lượng hiện đang là dược sĩ lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

"Sau khi thực hiện đề tài khoa học cũng như có những tiếp xúc thực tế nghề nghiệp, tôi đúc rút được rằng, quá trình nghiên cứu đóng vai trò lớn trong việc cứu chữa người bệnh. Vậy nên tôi mong muốn được tiếp tục học tập, nghiên cứu những đề tài có giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn" – Lượng chia sẻ về những dự định trong tương lai.

Người trẻ nghiên cứu khoa học: 'Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn' - Ảnh 7.

Lượng mong muốn tiếp tục học tập, nghiên cứu những đề tài có giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn

"Liên hệ từ bản thân và được gặp gỡ, làm việc với nhiều bạn trẻ hiện cũng đang tham gia nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên có tính ứng dụng thực tiễn. Vậy nên, cần phải có những cơ chế khuyến khích để người trẻ tiếp tục cố gắng, sáng tạo, cho ra đời những đề tài có thể giải quyết các nhu cầu thực tế" – Mỹ Lượng nói thêm.

Ý kiến của bạn