Người trẻ kinh doanh mùa dịch: 'Tuy khó khăn nhưng lợi ích cộng đồng phải đặt lên hàng đầu'
(VOVTV) - Kinh doanh trong mùa dịch cần đề cao lợi ích cộng đồng, đảm bảo tuân thủ quy định phòng chống dịch, đó là thông điệp mà một chủ một tiệm cà phê trẻ ở Hà Nội đang cố gắng lan truyền bằng những việc làm thiết thực của mình.
Lê Quỳnh Trang (sinh năm 1995), bắt đầu kinh doanh cà phê tại Hà Nội từ tháng 10/2019. Cũng như nhiều người kinh doanh khác, Trang đang phải chịu những ảnh hưởng lớn của các đợt dịch Covid-19.
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau hai năm làm việc tại một công ty truyền thông, từ bỏ mức lương ổn định mà nhiều người mơ ước cùng những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, Quỳnh Trang chọn theo đuổi ước mơ kinh doanh.
Niềm đam mê có lẽ xuất hiện từ những tháng ngày sinh viên đi làm phục vụ tại quán cà phê gần trường đại học. Sau nhiều năm ấp ủ, Trang quyết định thuê mặt bằng tại một con ngõ trên phố Thái Thịnh (quận Đống Đa) để xây những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của bản thân.
"Là một người trẻ, vốn đầu tư tương đối thấp, khi thuê mặt bằng tôi chỉ dám chọn địa điểm trong ngõ. Chốt được địa điểm, bước vào công đoạn sửa chữa, tôi chủ động lên ý tưởng và cùng một số bạn bè thực hiện, chỉ có một vài hạng mục lớn thì thuê đơn vị bên ngoài" – chị Quỳnh Trang chia sẻ.
Nói về khó khăn trong những ngày đầu kinh doanh, cô gái 26 tuổi cho biết: "Mặc dù đã xác định kế hoạch, đối tượng khách hàng cụ thể, tuy nhiên, do vị trí quán nằm trong ngõ nên sẽ hạn chế trong việc tiếp cận khách hàng. Vậy nên, tôi chủ động đẩy mạnh công tác marketing online".
Quán được Quỳnh Trang xây dựng theo mô hình cà phê đặc sản, kết hợp tạo không gian thoải mái để khách làm việc, học tập; định hướng đến đối tượng khách hàng làm việc tự do, yêu thích và muốn tìm hiểu sâu về cà phê.
Tháng 4/2020, nửa năm đi vào hoạt động, chưa đạt được sự ổn định, làn sóng Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Cũng như nhiều địa điểm kinh doanh khác, quán của Trang phải đóng cửa phòng dịch.
"Đầu tháng 4/2020, dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, các cơ sở kinh doanh hạn chế và dần chuyển sang tạm thời ngừng kinh doanh. Đây là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với tôi khi chỉ mới chập chững bước sang mảng kinh doanh, khởi nghiệp. Để phòng, chống dịch, quán phải đóng cửa trong gần ba tháng, tôi vẫn phải chịu chi phí cho mặt bằng và các nguyên vật liệu đã nhập về nhưng không thể bán được" – Trang kể.
Nhận thấy tình hình dịch bệnh sẽ còn phức tạp và diễn ra trong thời gian dài, Quỳnh Trang đã có những thay đổi để hoạt động kinh doanh dần trở nên ổn định hơn.
"Sau ba làn sóng trước đó, nhiều người dân có dấu hiệu chủ quan. Tuy nhiên, trên cương vị một người cung cấp dịch vụ, tôi không cho phép mình lơ là trong vấn đề phòng, chống dịch Covid-19. Trước tiên, tôi luôn tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như phòng, chống dịch của cơ quan chức năng."
"Thời điểm này, quán đang áp dụng mô hình take away (phục vụ cho khách mang đi), đồng thời, do không gian quán khá hạn chế nên chỉ phục vụ tối đa 10 khách hàng cùng một thời điểm để đảm bảo giãn cách" – chị Trang chia sẻ.
"Mặc dù tốn kém, nhưng tôi xem đó là một hình thức marketing cho quán với các thông tin dán trên chai thủy tinh và cốc giấy. Ngoài ra tôi cũng khuyến khích khách hàng đổi trả chai thủy tinh cho lần mua sau để được chiết khấu mức phần trăm nhất định trên hóa đơn" – chị Trang nói.
Chia sẻ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tình hình kinh doanh, chị Quỳnh Trang cho biết doanh thu của quán tụt giảm khá nhiều, từ 40 – 50% so với thời điểm trước đó.
"Việc có một lượng khách quen ổn định và sớm chuyển sang mô hình bán hàng mang về nên quán tôi có thể duy trì với trạng thái bớt căng thẳng hơn so với những đợt dịch trước đây. Trừ tất cả các chi phí vẫn có lời" – Trang bộc bạch.
"Là một người trẻ kinh doanh F&B (Food and Beverage Service – một loại dịch vụ về phục vụ ẩm thực cho khách hàng), tôi cũng như nhiều người khác gặp khá nhiều khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 diễn ra, khó khăn còn tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, bản thân tôi luôn đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu bằng cách tuân thủ các biện pháp, quy định về phòng, chống dịch và UBND thành phố cũng như Chính phủ đề ra. Nếu làm tốt, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, tình hình kinh tế – xã hội ổn định và những người kinh doanh như tôi cũng sẽ được hưởng lợi" – chị Trang nói thêm.
Dịch Covid-19 bùng phát rõ ràng đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho các đơn vị kinh doanh. Song, với nhiều giải pháp ứng phó linh hoạt, nhiều đơn vị vẫn "cầm cự" tốt trong mùa dịch.
Tin nổi bật
Tin Video