Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu cảm nhận áp lực lạm phát
(VOVTV) - Doanh thu bán lẻ của Mỹ tăng mạnh trong tháng 3, chủ yếu do giá khí đốt tăng cao kỷ lục, nhưng người tiêu dùng nước này cũng bắt đầu cảm nhận áp lực tình trạng lạm phát cao, thể hiện qua số liệu chi tiêu cho mua sắm trực tuyến lần đầu tiên giảm liên tiếp 2 tháng trong hơn một năm qua.
Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 14/4, mức chi của người tiêu dùng đã tăng trong quý đầu tiên năm 2022, giúp củng cố toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, thị trường lao động cung không đủ cầu cũng giúp mức lương cho người lao động tăng, các khoản tiền tiết kiệm lớn cộng dồn trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành cũng phần nào giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát với người tiêu dùng Mỹ.
Tháng 3 vừa qua, lạm phát hằng năm của Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm dần. Theo nhà kinh tế cao cấp Tim từ công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo, North Carolina, rõ ràng các hộ gia đình Mỹ đã bắt đầu cảm nhận tác động của tình trạng giá cả tăng phi mã ở nhiều ngành hàng nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy lạm phát xuất phát từ các yếu tố liên quan đại dịch COVID-19 bắt đầu giảm dần.
Theo nhà kinh tế này, báo cáo mới của Bộ Thương mại Mỹ phản ánh tiêu dùng cá nhân vẫn đang thích ứng linh hoạt.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ tại Mỹ tăng 0,5% trong tháng 3 trong khi các dữ liệu của tháng 2 được điều chỉnh tăng, theo đó doanh thu bán lẻ tăng 0,8%, cao hơn mức 0,3% được báo cáo trước đó.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái (chưa cân đối lạm phát) và doanh thu tại các trạm nhiên liệu tăng 8,9%, góp phần quan trọng giúp tăng doanh thu bán lẻ của tháng 3. Giá tiêu dùng Mỹ tháng 3 tăng lên mức cao nhất trong hơn 16 năm khi giá xăng tăng lên các mức cao kỷ lục, giá bán bình quân cả tháng 3 tăng lên 4,33USD/gallon, cao nhất từ trước đến nay.
Dù giá xăng sau đó đã giảm xuống mức bình quân 4,074 USD/gallon nhưng vẫn dẫn đến nguy cơ lạm phát cao. Một báo cáo riêng rẽ của Bộ Lao động Mỹ cũng công bố ngày 14/4 cho thấy giá cả nhập khẩu tăng 2,6% trong tháng 3, mức tăng cao nhất tính từ tháng 4/2011.
Trong khi giá cả tăng làm giảm sức mua của người tiêu dùng thì ngược lại, lương tăng lại giúp kiềm chế phần nào đà giảm này. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 3 ở mức 3,6%, thấp nhất trong vòng 2 năm và có đến 11,3 triệu việc làm mới vào cuối tháng 2/2022.
Đây là những điều kiện thuận lợi để người lao động Mỹ tăng thêm thu nhập thông qua việc làm thêm ngoài giờ hoặc kiêm thêm một công việc khác. Tiết kiệm cộng dồn của người tiêu dùng Mỹ trong đợt dịch cũng tăng lên mức hơn 2.000 tỷ USD. Chính những yếu tố như giá xăng giảm và thị trường lao động tích cực đã giúp động lực tiêu dùng khôi phục trong đầu tháng 4 sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Doanh thu bán hàng online tháng 3 tại Mỹ giảm 6,4%, sau khi giảm 3,5% trong tháng 2, đánh dấu lần đầu tiên giảm liên tục kể từ cuối năm 2020. Một số nhà kinh tế học cho răng tình trạng này xảy ra là do tác động của cú sốc tăng giá xăng dầu khiến quỹ chi tiêu của các hộ gia đình hạn hẹp hơn. Tuy nhiên, các ý kiến khác lại cho rằng sự sụt giảm liên tiếp thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao giữa các mùa mua sắm.
Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley, New York, nhận định báo cáo mới của Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục phản ánh nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong quý I/2022. Tuy nhiên, tác động của cú sốc tăng giá dầu kết hợp với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm giảm tăng trưởng tiêu dùng cá nhân từ nay đến cuối năm 2022 và sang cả năm 2023.