Người sáng lập quán hướng nghiệp cho người tự kỷ: 'Dạy nghề cho người tự kỷ đã khó, tìm việc cho họ còn khó khăn gấp bội'
(VOVTV) - Toạ lạc tại ngõ 7 Hoàng Minh Giám (Cầu Giấy, Hà Nội), gian quán nhỏ thuộc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập VKAGBE thu hút được nhiều người lui tới dù đây chủ yếu là nơi đào tạo nghề cho người tự kỷ.
Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập VKAGBE được thành lập từ năm 2011 với nhiệm vụ ban đầu là đánh giá, hỗ trợ trị liệu cho các trẻ rối loại phổ tự kỷ. Ngoài các đối tượng trẻ nhỏ cần can thiệp sớm, trung tâm còn dạy các kiến thức văn hóa, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ.
Nói về sự ra đời của quán "Cafe – trà hoa quả VK", bà Nguyễn Thị Thúy – giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập VKAGBE cho biết: "Mặc dù nhận thức của xã hội đã dần thay đổi theo hướng tích cực nhưng để những người tự kỷ có được công ăn việc làm là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy chúng tôi đã xây dựng một cơ sở mà có thể đào tạo công việc đồng thời cho các bạn làm việc tại đây để được hỗ trợ cũng như đảm bảo sự an toàn".
"Cafe – trà hoa quả VK" chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2020. Tại đây, các thanh thiếu niên tự kỷ được tham gia tất cả các hoạt động của quán từ chào khách, pha chế, bưng bê dưới sự hướng dẫn và quan sát của giáo viên.
Bên cạnh đó, "Cafe – trà hoa quả VK" còn kinh doanh hoa quả sấy, bánh ngọt do người tự kỷ sản xuất.
"Mặc dù chỉ mới hoạt động chưa đầy một năm nhưng chúng tôi đã thu nhận được những thành công nhất định. Ví dụ như các sản phẩm hoa quả sấy được nhiều người biết đến, có lượng khách hàng ổn định. Song song với điều đó, nhờ vào đây mà hoạt động của các trẻ tự kỷ trở nên phong phú, đa dạng hơn, hạn chế được các thời gian rảnh rỗi và các hành vi phát sinh", bà Thúy nói.
Không chỉ là nơi thực hành kỹ năng sống, "Cafe – trà hoa quả VK" còn giúp tăng khả năng tự tin trong giao tiếp cho thanh thiếu niên gặp khó khăn trong hòa nhập. Dù học pha chế các loại đồ uống, phục vụ, sản xuất hoa quả sấy… nơi đây luôn tạo một môi trường học tập phù hợp với khả năng của mỗi đối tượng.
Bà Thúy cũng cho biết thêm, mỗi trẻ mắc chứng tự kỷ lại mang đặc thù riêng, khiến cho việc đào tạo hướng nghiệp cần có phương thức phù hợp, đòi hỏi thầy cô, nhà đào tạo… phải hiểu và nghiên cứu kỹ những đặc tính của chứng tự kỷ, biết xử lý những rối loạn của người tự kỷ. Quá trình đào tạo nghề cho trẻ tự kỷ phải phụ thuộc vào khả năng, năng lực của trẻ, dựa vào những ưu điểm của trẻ để xây dựng kế hoạch học nghề thích hợp. Quá trình học nghề xen kẽ vận động, tương tác sẽ giúp trẻ tự kỷ kiểm soát tốt những khó chịu của chứng rối loạn và hoàn thành công việc với chất lượng tốt và năng suất cao.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ việc làm dành cho người tự kỷ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp người tự kỷ có được một cuộc sống, công việc trọn vẹn, mà còn là bài toán kinh tế để giảm bớt các gánh nặng cho cộng đồng, xã hội và gia đình họ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của người tự kỷ hiện rất lớn, chủ yếu là các công việc bán thời gian, thời vụ, không ổn định.
Về vấn đề này, bà Thúy chia sẻ: "Tôi mong muốn những mô hình hướng nghiệp cho người tự kỷ được nhân rộng ở nhiều nơi cho các bạn có cơ hội được va chạm, được giao tiếp, được học tập và được nhìn nhận đúng về những khả năng hiện tại của các bạn ấy.
"Dạy nghề cho người tự kỷ đã khó, xin việc cho người tự kỷ ở cơ quan khác còn khó khăn gấp bội. Các bạn ấy không thể làm công việc với quy trình phức tạp như người bình thường mà chỉ có thể hoàn thành những công đoạn nhất định. Đồng thời họ cũng gặp khó khăn trong quản lý hành vi, cảm xúc, các thích nghi, thích ứng. Điều này chính là trở ngại cho một cơ quan nào đó không nằm trong ngạch đào tạo nhận người tự kỷ vào làm việc," bà Thúy nói.
"Ngoài các bậc phụ huynh, các trung tâm tự xây dựng mô hình nghề thì hy vọng các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội có thể tạo điều kiện cho người tự kỷ đến làm việc với những công việc đơn giản. Cũng mong rằng cộng đồng và các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra của các trung tâm đào tạo nghề để tạo nguồn cổ vũ giúp các bạn tự tin hòa nhập hơn với cộng đồng", bà Thúy bộc bạch.