Người phẫu thuật thẩm mỹ được thi hoa hậu: Hai luồng ý kiến trái chiều
Từ ngày 1/2/2021, Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chính thức có hiệu lực. Một trong những thay đổi của Nghị định này là không còn quy định các thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu trong nước phải có vẻ đẹp tự nhiên.
Trước đây, theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP, một trong những điều kiện đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu trong nước phải là nữ công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên và có vẻ đẹp tự nhiên. Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL hướng dẫn, thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên là thí sinh không qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Nghị định 144/2020/NĐ-CP không còn quy định như trên. Có nghĩa là các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ có quyền tham gia các cuộc thi sắc đẹp.
Tại Nghị định 144, các điều kiện tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu từ ngày 1/2/2021 cũng được nới lỏng hơn so với trước đây. Theo đó, quy định các đơn vị tổ chức các cuộc thi này: Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật; Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
Việc nới lỏng này đồng nghĩa với việc khi tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp sẽ không cần sự cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chỉ cần UBND tỉnh chấp nhận. Ngoài ra, những quy định giới hạn số lượng các cuộc thi người đẹp, hoa hậu cũng bị xóa bỏ.
Trước thông tin này, những người quan tâm tới các cuộc thi nhan sắc có hai luồng ý kiến.
Ở luồng ý kiến ủng hộ thì cho rằng, so với các quốc gia khác, Việt Nam đang xóa bỏ điều kiện tham gia dự thi của các thí sinh phải "có vẻ đẹp tự nhiên" là sự "cởi trói hơi muộn". Các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ vẫn hướng đến cái đẹp hoàn mỹ, nên nếu chỉ giới hạn các cô gái "có vẻ đẹp tự nhiên" là sự thiếu công bằng.
Tại Venezuela – nơi được đánh giá là cường quốc hoa hậu – hầu hết các thí sinh đều phải trải qua các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ (tất nhiên là thành công). Đây là một trong các quốc gia đầu tiên ủng hộ công khai các thí sinh sử dụng "ý chí nhân tạo" vào hoàn thiện nhan sắc.
Hiện các cuộc thi nhan sắc thế giới mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia là Miss World, Miss International, Miss Grand International đã nhiều lần trao vương miện cho các nhan sắc công khai phẫu thuật thẩm mỹ. Nằm trong xu hướng của thế giới, Việt Nam cũng cần hội nhập. Do vậy, Nghị định 144 mới đây chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ thi hoa hậu tại Việt Nam, từ đó "chọn mặt gửi vàng" để làm đại diện cho nhan sắc Việt đi thi quốc tế, là điều rất nên.
Ở luồng ý kiến ngược lại cho rằng, nếu các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ cũng được thi nhan sắc cùng với các thí sinh "có vẻ đẹp tự nhiên" sẽ tạo ra sự không công bằng. Vẻ đẹp nhân tạo sẽ có "chuẩn" theo "khuôn vàng thước ngọc" của phẫu thuật, nên sẽ hoàn hảo hơn sự tự nhiên sẵn có.
Như vậy, người sở hữu nét đẹp từ phẫu thuật thẩm mỹ và người sở hữu nét đẹp "nguyên thủy", sẽ bị cập kênh trong sự so sánh. Người mang nét đẹp tự nhiên cảm thấy bị "thiệt" hơn so với người đã can thiệp nhan sắc bằng dao kéo, như các lý do vừa dẫn.
Ở thời điểm dịch Covid-19 còn diễn tiến phức tạp như hiện nay, các sự kiện thi nhan sắc tổ chức quy mô chưa nhiều. Và thực tế, cuộc thi nhan sắc mang tính chất đặc thù của giới cũng như nhiều yếu tố khách quan khác, rất dễ bị thị phi.
Nghị định 144 được áp dụng vào thực tiễn gần đây, cần chờ thời gian để đánh giá. Bất cứ nhận định chủ quan nào cũng đều khiên cưỡng và mang tính áp đặt. Dư luận cần theo dõi các cuộc thi nhan sắc sắp tới để đưa ra các bình luận sâu sắc và toàn diện hơn, tránh những quy kết vội vàng và hời hợt, khiến vấn đề bị nhìn nhận ít đi sự đa chiều, mang cách nhìn chưa thấu tình, đạt lý.
Tin nổi bật
Tin Video