Người nghèo ở TP.HCM ngóng gói vay 3.500 tỷ mua máy tính cho con học online
Với 3.500 tỷ đồng, bình quân 7 triệu đồng/máy, sẽ có khoảng 500.000 học sinh, sinh viên có máy tính để học online. Song, vấn đề là làm thế nào để gói hỗ trợ này đến được với gia đình khó khăn.
Dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc dẫn đến việc nhiều học sinh, sinh viên nghèo rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thiếu thiết bị máy móc để học trực tuyến. Mới đây, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan đã đề xuất gói hỗ trợ 3.500 tỷ để mang máy tính đến với học sinh, sinh viên nghèo là rất cần thiết giúp việc học tập được duy trì trong bối cảnh “sống cùng dịch bệnh”.
Rời Thanh Hóa vào TP.HCM thuê trọ để mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu, 4 tháng giãn cách vì dịch bệnh, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Trường phải vay mượn tiền người thân và nhờ sự hỗ trợ của địa phương để cầm cự qua ngày. Khó khăn này chưa qua thì khó khăn khác đã tới khi 2 đứa con của vợ chồng anh Trường phải học online. Nhờ cậy khắp nơi, cuối cùng anh cũng mượn được chiếc smartphone cũ để 2 con được học. Biết Nhà nước đang dự kiến triển khai gói tín dụng 3.500 tỷ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính học online, anh Trường rất vui.
“Có gói vay này, nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu, chứ không dám đòi hỏi. Dịch bệnh rồi mà để các cháu học hành như vậy thì không đành. Rất nhiều bà con có nhu cầu gói hỗ trợ này”, anh Trường bày tỏ.
Cùng hoàn cảnh khó khăn đó, chị Phạm Phương Thảo, trọ ở khu vực phường 16, Quận 8 cũng mong muốn gói tín dụng này sớm được triển khai. Chị Thảo chia sẻ, hơn 1 tháng qua hai con chị phải qua nhà hàng xóm để xin học nhờ vì nhà không có máy. Tuy nhiên do phần lớn người trong gia đình chị từng dương tính với COVID-19 nên ít nhiều cũng có những e dè và tế nhị.
Gói hỗ trợ mua máy tính là cần thiết để việc học của học sinh, sinh viên không bị gián đoạn trong bất kỳ bối cảnh nào của dịch bệnh. Với 3.500 tỷ đồng, bình quân 7 triệu đồng/máy thì sẽ có khoảng 500.000 học sinh, sinh viên có máy tính để học online. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để gói hỗ trợ này đến được với gia đình khó khăn.
Theo ông Trần Nguyên Đán - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cần đồng bộ hóa từ khâu cấp vốn đến cung cấp thiết bị, chuẩn bị kỹ càng phương thức thủ tục quản lý đối tượng vay… Những thủ tục theo kiểu truyền thống như phải đi chứng giấy xác nhận hộ nghèo, hộ khó khăn thì không cần thiết mất thời gian và nhiều địa phương hiện rất khó khăn trong đi lại vì trong vùng dịch.
“Chúng ta sẽ giúp họ đăng ký theo khu vực, rồi mình đem máy đến tận nơi luôn, như vậy sẽ rất nhanh. Tôi nghĩ người có tiền, chẳng ai lại tìm cách đi trục lợi chính sách để mua máy tính giá rẻ cho con mình học, có tiền họ sẽ mua máy tốt hơn chút. Tôi nghĩ rằng Chính phủ, sẽ hợp tác với những doanh nghiệp lớn trong việc cung cấp máy... Và tôi nghĩ những đơn vị này họ cũng sẵn lòng tham gia vào câu chuyện nhân văn này”, ông Đán cho hay.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, một vấn đề đặt ra nữa là liệu người vay tiền có sử dụng đúng mục đích. Ông Phạm Thanh Long, chuyên viên tài chính một ngân hàng tại TP.HCM đề xuất, nên triển khai theo hình thức cho thuê tài chính. Khác với những gói vay thông thường, đây là gói vay giáo dục cho đối tượng khó khăn, do đó nên cân nhắc thời hạn cho vay. Mức lãi suất 0% nên áp dụng trong 3 năm thay vì 1 năm.
“Với gói vay này, theo tôi tính toán thì mỗi tháng người dân sẽ chỉ phải hoàn lại tầm 291.000 với gói vay 24 tháng. Tính ra mỗi ngày chưa tới 10.000 đồng, như vậy họ hoàn toàn đủ khả năng để tiết kiệm trả lại cho gói vay của Nhà nước. Người vay dễ trả lại khoản vay thì việc thu hồi vốn cũng dễ hơn), ông Long nêu ý kiến.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính và giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu về gói tín dụng 3.500 tỷ đồng. Nếu gói hỗ trợ này sớm thông qua và triển khai sẽ là tín hiệu vui, giúp học sinh, sinh viên nghèo có thể học tập trong điều kiện “sống cùng dịch bệnh”./.
Tin nổi bật
Tin Video