Người Mông làm du lịch cộng đồng ở Mường Hoa giữ gìn nghề truyền thống
(VOVTV) - Mường Hoa - chốn du lịch cộng đồng nổi tiếng của Sa Pa (Lào Cai) gắn với thung lũng ruộng bậc thang, bãi đá cổ và bản làng nơi đồng bào Mông sinh sống.
Tại đây vẫn lưu giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống, mang về thu nhập cho bà con, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển.
20 năm nay, chiếc khung cửi gỗ đã gắn bó với cuộc sống thường nhật của chị Tẩn Thị Si, ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ngoài dệt tạo quần áo truyền thống cho bản thân và gia đình, theo đà phát triển du lịch, công việc này còn mang về cho chị Si 3 – 4 triệu đồng mỗi tháng từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm do chính tay mình làm ra.
Theo bà Giàng Thị Chảy – một phụ nữ lớn tuổi ở Mường Hoa, con gái Mông vùng này từ 14 – 15 tuổi đã biết hái lanh về se sợi, rồi tự tay dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn thổ cẩm, làm nên những bộ trang phục hoàn chỉnh. Từ xưa đến nay vẫn vậy, những gì đã thuộc về truyền thống thì luôn phải lưu giữ.
Cùng với trồng lanh dệt vải, hiện Mường Hoa vẫn còn hàng chục hộ dân theo đuổi nghề rèn truyền thống. Dao, nông cụ được rèn thủ công thường sắc bén, chất lượng, có độ bền cao, nên ngoài phục vụ tại chỗ còn được thị trường bên ngoài đón nhận.
Ông Châu A Gả ở Mường Hoa tâm sự: "Tôi làm nghề rèn hơn 30 năm rồi, nghề này vất vả, làm nặng nhọc nhưng ông cha truyền lại thì phải giữ nghề, tôi cũng đã truyền lại cho con trai sau này nối nghề để không mai một đi. Giờ làm bán ra thị trường thì thu nhập thêm cũng ổn định".
Hiện, Mường Hoa có khoảng 70 cơ sở homestay. Dù đều mang nét đặc trưng của người Mông bản địa, nhưng mỗi cơ sở đều sở hữu những nét riêng có. Kể từ sau khi Việt Nam mở cửa du lịch, khách quốc tế cũng bắt đầu rục rịch lựa chọn Mường Hoa làm điểm đến.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoa cho biết: "Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền bà con khôi phục lại nhà cửa đón khách lưu trú homestay, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc này thì chủ yếu phục vụ khách du lịch trong nước và ngoài nước để tham quan, khám phá văn hóa người Mông phát triển kinh tế, xã hội địa phương".
Đặc thù của du lịch cộng đồng là du khách có cơ hội hòa mình vào cuộc sống làng bản. Tận mắt chứng kiến, tận tay trải nghiệm từng món nghề truyền thống luôn là yếu tố thu hút, giữ chân du khách. Những giá trị đó được chú trọng cũng góp phần làm nên thương hiệu vững chắc cho du lịch Mường Hoa.
Tin nổi bật
Tin Video