Người Malaysia trong ngày đầu phong tỏa: 'Đau đớn, nhưng cần thiết'
Ngày 1/6, Malaysia bắt đầu áp lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài hai tuần để đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai đang diễn biến phức tạp.
Malaysia đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, với trung bình hơn 7.600 ca nhiễm mới mỗi ngày trong vòng một tuần trở lại, theo Worldometers. Tính đến ngày 31/5, quốc gia này đã có 565.533 ca dương tính với virus corona và 2.729 ca tử vong.
New York Times nhận định nguyên nhân của đợt bùng phát này một phần do người dân tụ tập cầu nguyện vào lễ Eid al-Fitr, ngày đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Việc xuất hiện biến chủng B.1.617, còn được gọi là biến thể Ấn Độ của virus SARS-CoV-2, cũng khiến số ca nhiễm tăng nhanh.
Trước sức ép của đại dịch, Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia do Thủ tướng Muhyiddin Yassin là chủ tịch thông báo toàn quốc sẽ áp lệnh phong tỏa hoàn toàn từ ngày 1/6 đến ngày 14/6.
Trên mạng xã hội Instagram, nhiều người dùng chia sẻ quan điểm rằng lệnh phong tỏa hoàn toàn sẽ “rất đau đớn với nhiều người”, nhưng đây là phương thức tốt nhất để ngăn chặn đại dịch vượt quá khỏi tầm kiểm soát.
Phong tỏa để tạo khoảng lặng cho hệ thống y tế
Sau thông báo phong tỏa, ngày 30/5, chính phủ Malaysia cho biết mọi trung tâm mua sắm sẽ bị đóng cửa, trừ siêu thị và cửa hàng bán thức ăn đồ uống và đồ thiết yếu. Mỗi hộ gia đình chỉ được phép hai người ra ngoài mua đồ thiết yếu hoặc đi khám trong bán kính 10 km quanh nhà.
Chỉ 17 dạng dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động, bao gồm y tế, viễn thông, thực phẩm, điện nước, và ngân hàng. Các công ty trong 12 ngành sản xuất như chế biến thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế,… cũng được vận hành nhưng chỉ ở mức 60% công suất.
Cùng ngày, Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cảnh báo mức tăng 1.000-2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày không phải điều bất khả thi. Malaysia cũng có thể tiếp tục có nhiều ca tử vong trong ngày.
“Bộ Y tế đã cảnh báo các bác sĩ có thể sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn khi cần ưu tiên giường bệnh chăm sóc tích cực cho bệnh nhân có khả năng hồi phục cao, thay vì người có tiên lượng xấu”, ông Noor Hisham nói.
Ông Noor Hisham cũng đưa ra 5 hành động mà Bộ Y tế sẽ thực hiện trong 2 tuần phong tỏa, bao gồm đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng và tạo khoảng lặng cho nhân viên y tế và bệnh viện để đánh giá lại trang thiết bị. Nhân viên y tế cũng sẽ dùng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên để sàng lọc.
Thời điểm phong tỏa quá trễ
Thông báo phong tỏa hai tuần đã thu hút phản ứng mạnh mẽ từ người dân Malaysia trên mạng xã hội.
Jennifer Chung, một người dùng Facebook, cho biết áp lệnh phong tỏa vào lúc này là “quá muộn”. “Tôi hy vọng lần này sẽ là phong tỏa THỰC SỰ”, chị bình luận ngày 29/5.
Tại Johor Baru, kỹ sư P. Prakash, 26 tuổi, cho biết đây là động thái anh hy vọng sẽ xảy đến từ lâu vì anh rất lo ngại về mức tăng trong số ca nhiễm mới hàng ngày.
“Đối với tôi, đây là động thái hiển nhiên. Tôi rất hoan nghênh điều này. Tôi thấy một số người vẫn chưa nghiêm túc nhìn nhận đại dịch dù số ca nhiễm tăng vọt”, anh Prakash nói. “Với lệnh phong tỏa hoàn toàn, chúng ta có thể có cơ hội ngăn chặn Covid-19 lây nhiễm tốt hơn”.
Singhguruguru, một người dùng Instagram khác, nhận định “phong tỏa gì cũng được, nhưng làm ơn hãy đẩy nhanh tiêm chủng”.
Tiêm chủng là một phần trong kế hoạch phong tỏa của chính phủ Malaysia. Ngày 30/5, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ, và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nhiều trung tâm tiêm chủng sẽ được lập thêm trong tháng tới để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Trong số này, đầu tiên sẽ là 5 trung tâm vaccine diện rộng quanh khu vực Thung lũng Klang. “3 trung tâm sẽ được lập tại Selangor, 2 trung tâm ở Kuala Lumpur”, ông Khairy nói. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào ngày 7/6.
Theo ông Khairy, từ nay tới hết tháng 6, Malaysia sẽ có 1.000 phòng khám tư tham gia chương trình tiêm chủng. Trong đó, 500 phòng khám tư bắt đầu tiêm chủng từ ngày 15/6. Chính phủ sẽ trả chi phí cho các phòng khám tư để thực hiện tiêm chủng.
Những hàng dài ở siêu thị
Hôm 31/5, tức một ngày trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu, trong nhiều siêu thị tại Malaysia là cảnh những dòng người xếp hàng dài bất thường. Người dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ, muốn đảm bảo có đủ đồ ăn cho đủ ít nhất một tuần.
Tư vấn viên doanh nghiệp Hana Kamari là một trong số đó trong ngày 29/5. Chị nói các đồ nhu yếu phẩm như trứng, gạo, bánh mì, sữa bột trẻ em, đồ đông lạnh, và đồ vệ sinh cá nhân là những thứ quan trọng nhất cần có trước lệnh phong tỏa.
“Với gia đình có trẻ em, các loại thực phẩm cần dự trữ sẽ khác. Tôi thường sẽ mua sỉ những đồ cá nhân như tã, xà phòng, và dầu gội, vì thế đồ tôi mua từ đợt trước vẫn còn rất nhiều”, chị Hana - bà mẹ 3 con - cho biết.
Hana nói chị sẽ mua đồ ăn vì đây sẽ là thứ được dùng hết trong tuần.
“Với những đồ thực phẩm không cần gấp, tôi thường sẽ đặt đồ qua mạng. Nếu là rau, cá hoặc gà chưa qua chế biến, tôi chỉ mua lượng nhỏ vì chúng tôi thường gọi đồ ăn vào các ngày trong tuần”, Hana cho hay.
Afiqah Aisyah Saiful Bahar, 29 tuổi, kể lại chị không mua được sữa dự trữ cho con gái 2 tuổi vì không muốn xếp hàng dài ở siêu thị.
“Con gái tôi chỉ uống hãng sữa này. Khi tôi đi mua sữa vào ngày 29/5, người ta xếp hàng dài tới tận cuối cửa hàng. Mỗi lúc trong siêu thị chỉ cho phép 80 khách vào trong”, Afiqah nói.
Gặp cảnh ấy, Afiqah đã về nhà vì không muốn ở nơi đông người trong khi số ca nhiễm Covid-19 đang ở mức cao. Tuy nhiên, chị đã có thể tránh được việc phải xếp hàng nhờ đến sớm vào hôm sau.
“Tôi tới trước giờ cửa hàng mở cửa và có thể mua được sữa cho con. Khi mua xong, tôi nhìn thấy một hàng người đang xếp hàng dài trước cửa”, Afiqah nói.
Tin nổi bật
Tin Video