Đời sống

Người mắc hội chứng COVID kéo dài cần tập luyện phù hợp với thể trạng để tránh kiệt sức

(VOVTV) - Hụt hơi, đau đầu, mất ngủ, đau cơ, đau khớp, ho kéo dài.... là một loạt triệu chứng mà người mắc COVID-19 trải qua sau khi khỏi bệnh.

16/02/2022 17:03

Nhiều bác sĩ đã khuyến khích bệnh nhân luyện tập thể chất sau khi khỏi bệnh để phục hồi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cuộc khảo sát cho thấy việc luyện tập làm trầm trọng thêm hội chứng COVID kéo dài (long COVID) ở người mắc COVID-19 khỏi bệnh.

Melinda Wenner Moyer, cộng tác viên của tờ New York Times đã có bài viết đề cập vấn đề được nhiều người quan tâm này. Cô trích dẫn một cuộc khảo sát trực tuyến có sự tham gia của 3.762 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài cho biết 89% rơi vào tình trạng kiệt sức do tập luyện quá sức.

Một nghiên cứu khác của nhà khoa học về dữ liệu y tế và thống kê sinh học thuộc Đại học Dược Indiana, Natilie Lambert, tập hợp dữ liệu của hơn 1 triệu bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài cho thấy số đông bệnh nhân cho biết họ cảm thấy tồi tệ hơn sau khi tập luyện thể chất. Nhà khoa học Lambert nhấn mạnh nghiên cứu trên phản ánh thực tế không thể tập thể dục cũng là một trong những biểu hiện phổ biến của COVID kéo dài.

Người mắc hội chứng COVID kéo dài cần tập luyện phù hợp với thể trạng để tránh kiệt sức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Theo David Systrom, chuyên gia vật lý trị liệu về phổi thuộc Bệnh viện phụ nữ, những hậu quả kéo dài của COVID-19 ở mỗi bệnh nhân khác nhau. Cụ thể một nghiên cứu mà ông cùng đồng nghiệp thực hiện cho thấy có những bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài có kết quả chụp CT vùng ngực bình thường với chức năng phổi và tim bình thường, nhưng có người gặp vấn đề tĩnh mạch và động mạch hoạt động không bình thường trong quá trình rèn luyện cơ thể. Điều này ngăn cản oxy đến các vùng cơ một cách hiệu quả.

Chưa rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song một số nghiên cứu khác của Systrom cho thấy những bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài có thể bị tổn thương một sợi dây thần kinh cụ thể nào đó liên quan đến các chức năng của cơ quan nội tạng và mạch máu. Trong khi đó, một nghiên cứu cống bố trên The Physiological Society cho thấy nhịp tim của bệnh nhân COVID-19 có thể hoạt động khác với người chưa từng mắc bệnh này.

Chuyên gia về vận động thể chất thuộc Đại học Indiana cho biết biểu hiện không thể tập thể dục ở người mắc hội chứng COVID kéo dài có thể do hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS). Theo Lambert, ở những bệnh nhân mắc hội chứng này, hệ thần kinh không thể điều chỉnh những yếu tố như nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi và nhiệt độ cơ thể - tất cả những yếu tố cần được kiểm soát trong quá trình rèn luyện thể chất.

Trên thực tế, hiện các bác sĩ vẫn có những ý kiến khác nhau về việc liệu những người bị hội chứng COVID kéo dài gặp khó khăn trong tập luyện thể chất có nên ngừng tập luyện hay vẫn tiếp tục duy trì.

Ông Systrom cho biết nhiều bác sĩ và cả bệnh nhân có ý kiến cho rằng không nên luyện tập bởi có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, ông cho rằng việc tập luyện vẫn có thể thực hiện và vẫn có lợi cho sức khỏe nếu người mắc hội chứng COVID kéo dài được điều trị thích hợp trước đó.

Nhà khoa học Lambert cũng nhất trí với quan điểm của ông Systrom, cho rằng người mắc hội chứng này cần thử sức dần những bài tập phù hợp với thể trạng.

Ý kiến của bạn