Người khiếm thị ở TP.HCM mong chờ sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn trong dịch bệnh
(VOVTV) - Dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn với những người lành lặn, với người khuyết tật lại càng khó khăn hơn, đặc biệt là người khiếm thị. Không thể nhìn thấy, khó tiếp cận thông tin hơn, các công việc mưu sinh phù hợp đều bị gián đoạn khiến cho nhiều người khiếm thị TP.HCM đang rất lo lắng và mong chờ sự hỗ trợ kịp thời để vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.
Gian nan hơn trong đại dịch
Suốt gần 2 tháng nay, trong căn phòng trọ nhỏ trên đường Bà Hạt, Quận 10, TP.HCM, ông Bùi Văn Dậu (65 tuổi) liên tục mở chiếc radio để nghe tin tức về dịch bệnh. Tâm trạng của ông cũng buồn vui theo những dòng tin tức. Hôm nào thông tin có tín hiệu tích cực, số ca bệnh giảm thì ông mừng lắm. Hôm nào tin báo số ca bệnh tăng, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp thì ông lại buồn thêm một chút vì biết rằng ngày trở lại với công việc còn khá xa, nỗi lo về miếng cơm manh áo lại trĩu nặng.
Là người mù bẩm sinh, thường ngày, ông Bùi Văn Dậu cùng vợ đi hát rong, bán kẹo, bán vé số đắp đổi qua ngày. Thế nhưng dịch bệnh đã khiến họ không thể duy trì công việc mưu sinh ấy nữa.
"Từ khi có dịch tới giờ thì khó khăn lắm, quán xá ngưng hoạt động hết nên tôi cũng không đi bán được, chỉ ở nhà làm bạn với chiếc radio thôi. Tại tôi không thấy đường nên không đọc được báo, chỉ nghe qua radio. Nhờ đó cũng biết được những thông tin dịch bệnh hàng ngày. Mấy ngày trước đây thì Hội người mù với các nhà hảo tâm có hỗ trợ cho tôi một số lương thực, thực phẩm như gạo, mì, trứng gà... Mình để dành ăn dần dần chứ cũng không đi chợ búa gì", ông Dậu tâm sự.
Cũng qua thông tin trên đài phát thanh, ông Dậu biết mình thuộc đối tượng lao động tự do được thụ hưởng gói hỗ trợ đợt 2 của TP.HCM. Thế nhưng, do hộ khẩu ở quận Bình Thạnh, nhiều năm qua ông lại đi khỏi địa bàn, lang thang thuê trọ ở Quận 4, Quận 5 rồi Quận 10 để thuận tiện đi hát rong, bán hàng nên giờ khá khó khăn để tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Lâm - một thành viên khác của Hội người mù quận Bình Thạnh cũng cho biết anh đang rất lo lắng cho cuộc sống của gia đình những ngày này. Gia đình anh có tới 3 người mù là mẹ, vợ và bản thân anh.
Trước khi xảy ra dịch, anh và vợ làm nghề massage để lo cho gia đình và nuôi con nhỏ. Nhưng từ khi dịch bùng phát, massage là nhóm ngành nghề không thiết yếu nên cơ sở nơi vợ chồng anh làm việc đã phải ngưng hoạt động. Mất đi nguồn thu nhập, gia đình anh Lâm chỉ còn trông cậy vào khoản tiền 1,5 triệu đồng trợ cấp xã hội hàng tháng của Nhà nước dành cho người khuyết tật cùng sự giúp đỡ của Hội người mù quận Bình Thạnh và các nhà hảo tâm.
Anh Lâm cho hay: "Từ ngày dịch bệnh, mình cũng khó khăn. May là có một số nhà hảo tâm giúp đỡ cho Hội người mù thì Hội cũng phát lại cho mình gạo, mì để ăn tạm qua ngày. Nhưng khó nhất là mua thực phẩm tươi sống vì giá mắc hơn, rồi mình không thấy đường nên đi mua cũng khó”.
Ánh sáng của công nghệ và tình người
Khó khăn của ông Dậu hay anh Lâm cũng là những điều mà hàng trăm người mù ở TP.HCM đang gặp phải. Đáng nói là trong số hơn 1.400 người mù của TP.HCM có nhiều người còn mang đa tật như vừa mù vừa liệt, vừa mù vừa khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, bên cạnh cái khó thì vẫn còn có những tia sáng ấm áp, lạc quan.
Ông Đỗ Hữu Trường Giang - Hội trưởng Hội Người mù quận Bình Thạnh cho biết thật may mắn khi có sự hỗ trợ của công nghệ, hiện nay người mù có thể tiếp cận được thông tin dễ dàng hơn. Nhờ đó họ nắm được tình hình xã hội, diễn biến dịch bệnh, các chủ trương chính sách của Nhà nước và các biện pháp để phòng chống dịch bệnh cho bản thân.
“Một vài năm gần đây thì một số người mù cũng có thể sử dụng được điện thoại thông minh nên họ lên mạng đọc báo, xem tin tức thường xuyên lắm. Một số người mù lớn tuổi hay những người không có điện thoại thông minh thì họ nắm thông tin qua hàng xóm, qua người thân và đặc biệt họ vẫn dùng radio để nghe đài”, ông Giang nói.
Ngoài ánh sáng của công nghệ hỗ trợ cho cuộc sống của người mù thì còn có ánh sáng của tình người. Ông Trần Kỷ - Hội trưởng Hội Người mù quận Gò Vấp cho biết gần 100 hội viên ở quận vẫn được đón nhận sự yêu thương, đùm bọc của các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng và bản thân người mù trong hội vẫn cùng nhau san sẻ để vượt qua những lúc ngặt nghèo.
“Được cái là TP.HCM vẫn có những siêu thị 0 đồng, rồi mới đây Hội Phụ nữ quận cũng cho chúng tôi 100 phần quà, mỗi phần trị giá 275.000 đồng hay Hội Chữ thập đỏ quận cũng cho 100 phần. Nói chung có những phần quà đó lúc này là rất đỡ. Rồi trong Hội cũng có bà cụ sinh năm 1934 bị con cháu bỏ thì Hội phải lo. Ví dụ có quà người ta tặng thì sẽ ưu tiên cho những người già yếu này trước. Ban chấp hành chúng tôi có tiền sinh hoạt phí thì chúng tôi cũng trích ra cho bà mỗi tháng vài ba trăm”, ông Trần Kỷ bộc bạch.
Ông Trần Kỷ cũng cho biết thêm trong chính sách hỗ trợ năm 2020, mỗi người khuyết tật đã nhận được hỗ trợ 500.000 đồng trong 3 tháng, thế nhưng năm 2021 này chưa có chính sách hỗ trợ nào cho người khuyết tật.
Một số người mù đi hát rong, bán vé số có thể đưa vào nhóm đối tượng lao động tự do để được nhận hỗ trợ từ gói 886 tỷ đợt 2 của TP.HCM nhưng do năm ngoái họ không được đưa vào danh sách này mà ở danh sách hỗ trợ người khuyết tật nên năm nay nhiều người mù vẫn chưa tiếp cận được khoản hỗ trợ này. Vì thế, người mù nói riêng và nhiều người khuyết tật nói chung đang mong chờ TP.HCM sớm có thêm gói hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn, dịch bệnh.
Tin nổi bật
Tin Video