Người dân vùng xanh ở TP.HCM mong muốn được kinh doanh ăn uống tại chỗ
Từ 1/10, TP.HCM nới lỏng sau 5 tháng “ngủ đông” chống dịch, đến nay kinh doanh ăn uống chỉ được bán mang về, rất nhiều người vùng xanh mong được bán tại chỗ trở lại.
Quận 7 là địa một trong 3 địa phương đầu tiên của TP.HCM được đề nghị công bố kiểm soát dịch COVID-19 trước khi thành phố mở cửa trở lại, nới lỏng các hoạt động. Đia phương này cũng đã đề xuất với UBND TP.HCM thí điểm các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ.
5 tháng chống dịch, lỗ hơn 170 triệu đồng
Suốt 5 tháng “cửa đóng then cài”, khi TP.HCM cho mở cửa, các quán hàng được kinh doanh trở lại, anh Sơn Tùng (chủ một quán cà phê trên đường Lý Phục Man, quận 7) mừng như “bắt được vàng”. Dù bán mang về thôi nhưng anh cũng rất vui, bởi 5 tháng qua không bán hàng nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, rất khó khăn, anh cũng suýt lâm cảnh nợ nần.
“Tiền thuê mỗi tháng hết 35 triệu, 5 tháng qua tôi trả hơn 170 triệu tiền mặt bằng mà có bán gì đâu, lỡ đầu tư, cải tạo quán rồi phải cố chứ không tôi đã bỏ nghề từ lâu. Không làm gì được mà phải mất tiền”, ông Tùng nói.
Mừng vì được bán hàng lại nhưng anh Tùng lại lo lỗ vốn, lao đao bởi loại hình kinh doanh quán cà phê như anh bán mang về không được bao nhiêu, ngày được vài ly, thậm chí có ngày không bán được ly nào. Anh rất mong được mở bán phục vụ tại chỗ, vì nếu cứ kéo dài sẽ khó khăn vô cùng.
“Quán cà phê bán mang về khó lắm, doanh nghiệp nhỏ chết kiểu nhỏ, doanh nghiệp lớn chết kiểu lớn, lỗ vốn, lao đao vô cùng, nợ thêm nữa. Mong cho bán lại tại chỗ. Tất nhiên luôn phải có biện pháp phòng dịch như kê giãn cách bàn ghế, hạn chế số lượng người,… khi mình phục vụ tại chỗ”, anh Tùng chia sẻ.
Khác với anh Tùng, bà Huỳnh Thị Nữ (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) là chủ một quán chè cung đình Huế không phải trả tiền mặt bằng vì có nhà mặt phố, nhưng bà cũng gặp không ít khó khăn khi cả gia đình trông vào quán chè nhỏ nhiều năm nay mà đã nghỉ bán 5 tháng qua.
Mở bán lại từ hôm 2/10, bà Nữ cho biết, quán khá vắng một phần vì người dân vẫn hạn chế ra đường, một phần vì không được phục vụ tại quán.
Trước quán chè nhỏ có vài shipper xếp hàng đợi mua chè, bà Nữ vừa đong chè vừa nói: “Nhà nước cho bán lại mừng muốn chết cô ơi, bán mang về ít cũng đỡ, chứ mấy tháng qua khổ quá rồi. Khi nào cho bán lại tại chỗ thì mừng lắm luôn, ai bán như tui mà không muốn được thành phố cho phục vụ tại quán chứ”.
Còn anh Nguyễn Minh Thuận (41 tuổi, quận 7) trước thời điểm tháng 6/2021, anh bán cơm, sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố anh nghỉ và chuyển qua bán rau. Nay thành phố mở cửa trở lại, anh rất mong được bán phục vụ tại chỗ để mở lại quán cơm của mình.
“Bán rau là tình thế bắt buộc, chứ bán rau này sao lại với siêu thị, chợ ngoài kia, tui chỉ là tạm thời, sống qua ngày, chỉ mong mở lại quán cơm”, anh Thuận chia sẻ.
Dù mong muốn nhưng chưa cho phép
Ngày 7/10, UBND quận 7 đề xuất với UBND TP.HCM cho thí điểm cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch từ ngày 10/10 nhưng đến nay chưa được chấp thuận.
Nói về vấn đề này, tại họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại thành phố ngày 18/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho rằng, tất cả người dân đều mong muốn hàng quán mở lại và bán ăn uống tại chỗ như điều kiện bình thường.
Tuy nhiên, theo Chỉ thị 18, hiện thành phố chỉ cho phép hàng quán bán mang về. Các hoạt động như chợ tự phát, bán hàng rong, bán vé số dạo, quán bar, karaoke,... cũng chưa được phép hoạt động. Do đó, nếu nơi nào thực hiện bán tại chỗ là chưa đúng quy định của Chỉ thị 18.
"Các địa phương có trách nhiệm theo dõi, nhắc nhở và xử lý để thực hiện đúng theo Chỉ thị 18. Dù chúng ta rất mong muốn mở lại bán phục vụ tại chỗ nhưng còn tùy thuộc vào tình hình dịch của thành phố, hiện chưa cho phép", ông Hải nói.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm ngày 19/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, việc mở thêm một số hoạt động như quán ăn phục vụ tại chỗ, bán vé số sẽ tạo ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân, giảm gánh nặng an sinh.
Do đó, ông Mãi đề nghị thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân.
"Ví dụ việc bán vé số cần nghiên cứu vì nó sẽ mở ra việc làm, cơ hội tăng thu nhập cho nhiều người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội, cần đánh giá kỹ lưỡng để mở các dịch vụ, hoạt động sinh kế", ông Mãi đề nghị.
Tin nổi bật
Tin Video