Tin tức

Người dân Thụy Sĩ 'sốc' trước vụ sáp nhập Credit Suisse

(VOVTV) - Người dân Zurich ngày 20/3 thức dậy bàng hoàng khi nghe tin ngân hàng lớn thứ hai của nước này Credit Suisse đã được sáp nhập vào ngân hàng UBS. Mới cách đây ba ngày, nhiều người còn tin tưởng sẽ không có chuyện sụp đổ ngân hàng ở Thụy Sĩ, như đang xảy ra ở Mỹ.

20/03/2023 18:26

Người dân Zurich ngày 20/3 thức dậy bàng hoàng khi nghe tin ngân hàng lớn thứ hai của nước này Credit Suisse đã được sáp nhập vào ngân hàng UBS. Nhiều người cho biết không thể tin được chuyện này có thể xảy ra. 

Mới cách đây ba ngày, ngày 17/3, vào ngày giao dịch cuối cùng trong tuần trước, cổ phiếu của Credit Suisse  vẫn đang lao dốc sau khi hồi phục chút ít trước đó, nhiều người dân trên đường phố Zurich còn tin tưởng sẽ không có chuyện sụp đổ ngân hàng ở Thụy Sĩ, như đang xảy ra ở Mỹ.

“Dĩ nhiên chúng tôi quan tâm tới chứng khoán và lo lắng về việc hai ngân hàng ở Mỹ sụp đổ, nhưng tôi không nghĩ là chuyện đó xảy ra với chúng tôi. Chúng tôi làm ngân hàng khôn khéo mà.”

“Tôi tin tưởng họ, họ có sai lầm nhưng họ sẽ lại đứng dậy được.”

“Tôi tin là ở Thụy Sĩ này chúng tôi có một cái phanh nợ rất hiệu quả, cả ở cấp nhà nước và cả trong nhiều luật. Nhờ nhiều tầng luật rất chặt chẽ mà Credit Suisse  và nhiều ngân hàng khác không bị nguy hiểm sụp đổ như ở Mỹ.”

“Ngân hàng Credit Suisse có vẻ vẫn yên ổn. Nhưng mà đấy cũng là lỗi của họ, quản lý rất là tồi.”

“Tôi chỉ nghĩ là ngân hàng ngày có tính hệ thống cao nên người ta sẽ không để nó chết đâu, tôi tin chắc là như vậy.”

Người dân Thụy Sĩ 'sốc' trước vụ sáp nhập Credit Suisse - Ảnh 1.

Niềm tin của những người dân Thụy Sĩ không phải là không có cơ sở bởi lẽ Ngân hàng Credit Suisse đã có lịch sử 167 năm, là một trong hai trụ cột của của ngành ngân hàng tại một quốc gia nổi tiếng toàn thế giới về ngành tài chính-ngân hàng. Cùng với UBS, hai ngân hàng nắm giữ tổng tài sản chiếm tới 140% tổng sản phẩm quốc nội của Thụy sĩ. Credit Suisse còn đứng sau sự xuất hiện của những công ty bảo hiểm sừng sỏ như Swiss Life và Swiss Re, những “gã khổng lồ” công nghiệp như Brown Boveri - “ông tổ” của tập đoàn kỹ thuật ABB. Không chỉ quan trọng đối với Thụy sĩ, hai ngân hàng này còn đóng vai trò trụ cột trong nền tài chính toàn cầu. 

Nhưng chỉ hơn hai ngày sau, vào chủ nhật ngày 19/3, với sự thu xếp của chính phủ Thụy Sĩ, ngân hàng lớn nhất nước UBS đã đồng ý chi trả 3 tỷ francs Thụy Sĩ, ($3.23 tỷ đôla) để mua Credit Suisse và đồng ý chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD.

Các cơ quan quản lý của Thụy Sĩ đã buộc phải can thiệp và thu xếp thỏa thuận trên để ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin đối với Credit Suisse lan rộng hơn sau khi cổ phiếu của ngân hàng ngày liên tục lao dốc, có lúc xuống mức thấp kỷ lục, giảm gần 98% so với mức đỉnh cao nhất đạt được vào tháng 4/2007, hậu quả của một loạt vụ bê bối và thua lỗ. Trong báo cáo thường niên của Credit Suisse, ngân hàng này lỗ 7,55 tỉ USD trong năm 2022. 

Bloomberg dẫn lời một số chuyên gia nhận định, loạt rắc rối đáng lưu ý nhất của Credit Suisse bắt đầu từ năm 2021, sau vụ sụp đổ của Greensill - công ty tài chính của Anh chuyên cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn thông qua một mô hình kinh doanh phức tạp. Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã mất 81% giá trị sau vụ phá sản của Greensilll vào tháng 3/2021. Credit Suisse đã phải đóng băng 10 tỉ USD liên quan đến Greensill.

Ngoài ra, Credit Suisse còn vướng vào vụ án hình sự như để những kẻ buôn ma tuý rửa tiền ở Bulgaria, mắc vào vụ tham nhũng ở Mozambique hay thậm chí một vụ bê bối gián điệp liên quan đến cựu nhân viên và giám đốc điều hành, một vụ rò rỉ lớn dữ liệu khách hàng cho giới truyền thông.

Tóm lại, theo giới chuyên gia, việc ngân hàng này quá tự tin vào khả năng kiểm soát rủi ro dòng tiền nhưng lại đánh mất niềm tin từ khách hàng, đã góp phần đẩy Credit Suisse ra khỏi cuộc chơi của các đại gia ngân hàng Thuỵ Sĩ. 

"Tôi không biết nói gì, tôi cần phải trấn tĩnh lại đã và đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra."

"Đây là một cú sốc với toàn bộ Thụy Sĩ. Tôi chắc chắn là vậy. Đây là biện pháp hoàn toàn là khẩn cấp, và cũng phải vận dụng tới luật khẩn cấp để sáp nhập như vậy. Và việc mất niềm tin lớn tới mức mà họ phải áp dụng các biện pháp này khiến người ta phải bàng hoàng, tôi nghĩ là không còn lựa chọn nào khác.” 

Cổ phiếu của các ngân hàng ở châu Âu lao dốc trong phiên giao dịch buổi sáng 20/3. Cổ phiếu của Credit Suisse giảm hơn 63% trong khi cổ phiếu của UBS giảm 12.5%. Trong khi đó, các ngân hàng toàn cầu đang đẩy mạnh nỗ lực để củng cố dòng tiền nhằm tránh rơi vào tình trạng tương tự như hồi năm 2008. 

Ý kiến của bạn