Người dân miền núi Quảng Nam bất an trước nguy cơ sạt lở
(VOVTV) - Sạt lở núi hiện là nỗi lo thường trực của chính quyền lẫn người dân miền núi tỉnh Quảng Nam trong mùa mưa bão. Nguy cơ sạt lở đang lan rộng, uy hiếp nhiều khu dân cư từng được xem là an toàn, phá hủy nhiều công trình.
Tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cứ vào mùa mưa, dòng nước chảy xiết với cường độ mạnh từ trên sườn núi trút xuống đường như những con suối nhỏ. Đợt mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6 vừa qua tiếp tục gây sạt lở vùi lấp một số ngôi nhà càng làm người dân bất an trước diễn biến khó lường của thiên tai.
Đáng lo ngại là toàn bộ dãy núi chạy dọc trung tâm xã Trà Mai liên tục sạt xuống khu dân cư, nước lũ và đất đá trên cao tràn xuống khiến nhiều người hoảng sợ khi tính mạng và tài sản liên tục bị đe dọa.
Ông Đoàn Quốc Ngữ, ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lo lắng: “Cứ vào mùa mưa là sạt lở rất nhiều, khu vực từ đây xuống là đất đá cứ đổ xuống. Nói chung là không an toàn, cả một khu vực từ đoạn này đến kia là sạt lở rất nguy hiểm”.
Ngay tại khu vực trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, với địa hình đồi cao, suối sâu, hầu hết các trụ sở làm việc đều nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở rất lớn. Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng khó lường, không chỉ ở các xã vùng cao mà ngay cả các công trình phòng tránh thiên tai cũng không còn là nơi an toàn. Vì vậy, 300 hộ dân sống ngay tại trung tâm huyện Nam Trà My vẫn đứng trước nguy cơ mất nhà bởi sạt lở núi, 6.000 người nằm trong tình trạng sẵn sàng sơ tán khẩn cấp khi mưa lớn kéo dài.
Nguy cơ sạt lở hiển hiện tại nhiều nơi ở miền núi tỉnh Quảng Nam, trong khi việc xây dựng bản đồ sạt lở vẫn còn nằm trên giấy. Trước năm 2020, thời điểm xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng làm hàng chục người dân tại nóc ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My tử vong thì nơi này vẫn được xem là khu vực an toàn.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, 2 năm qua, địa phương gặp muôn vàn khó khăn khi liên tục ứng phó với các đợt sạt lở lớn nhỏ: “Trên địa bàn huyện Nam Trà My nguy cơ sạt lở rất lớn kể cả tại trung tâm huyện. Sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ suối phải cần nguồn kinh phí lớn để để xây dựng những công trình vừa phòng chống bão, vừa phòng chống sạt lở”.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lũ cách đây 2 năm khiến 47 người chết và mất tích. Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sắp xếp dân cư miền núi, xây dựng các khu tái định cư, giúp người dân vùng sạt lở phòng tránh thiên tai, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở trên diện rộng vẫn là một thách thức rất lớn.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát địa chất bài bản để quy hoạch và xây dựng các công trình phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt trượt gây ra.
“Trên cơ sở phương án chung của tỉnh thì các địa phương, nhất là khu vực miền núi chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp với địa phương mình. Trong điều kiện các tuyến giao thông chưa khắc phục kịp thì phải có phương án dự trữ lương thực, bố trí sẵn lực lượng tại chỗ để khi có tình huống thiên tai phức tạp thì vẫn đủ để người dân vượt qua”, ông Thanh nói.
Tin nổi bật
Tin Video