Tin tức

Người dân không nên tự mua thuốc Molnupiravir

(VOVTV) - Thuốc kháng virus có chứa thành phần Molnupiravir điều trị COVID-19 đã lên kệ tại nhiều nhà thuốc, giá bán cũng đã được Cục quản lý dược, Bộ Y tế công bố từ ngày 23/2. Tuy nhiên, những ngày qua, người bệnh kêu gặp khó khi mua thuốc này tại các nhà thuốc ở TP.HCM. Theo cập nhật hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành, chỉ trường hợp mắc COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình mới cần sử dụng Molnupiravir.

Tác giả Kim Dung / VOV TPHCM
01/03/2022 07:12

Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Phượng, ngụ Quận 3, TP.HCM đã đến nhà thuốc Long Châu trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1 để mua thuốc Molnupiravir cho mẹ già, sau khi nhận đơn thuốc từ trạm y tế. Đây là hướng dẫn của y tế cơ sở nơi bà sinh sống đối với những F0 cách ly tại nhà.

Những người như bà Nguyễn Thị Phượng nằm trong số khoảng 40 khách hàng đủ điều kiện mỗi ngày mà hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu TP.HCM bán thuốc có chứa thành phần Molnupiravir để điều trị COVID-19.

Ông Nguyễn Quốc Nhật, Giám đốc kinh doanh nhà thuốc FPT Long Châu khu vực TP.HCM cho biết, các quy định về mua thuốc vẫn chặt chẽ như: phải có giấy xác nhận F0 của trạm y tế, kê toa của bác sĩ, ký giấy cam kết khi sử dụng… Tuy nhiên, tuần qua, số ca F0 gia tăng nhanh, rất nhiều người tìm đến nhà thuốc để được mua Molnupiravir. 

Nguoi than cac F0 mang ho so de duoc mua thuoc Molnupiravir.jpg

Người thân các F0 mang hồ sơ để được mua thuốc Molnupiravir

Những ngày đầu, nhiều người dân gặp khó khi tiếp cận thuốc, do nhà thuốc chỉ bán cho người có toa thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương. Trong khi đó nhiều người tự test nhanh, tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế địa phương nên không có giấy xác nhận F0 từ cơ quan chức năng. Vì vậy, trong khi chờ cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, nhà thuốc Long Châu đã tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người mua.

Cụ thể, hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu chấp thuận thêm phương án người dân quay video tự test nhanh tại nhà dương tính làm điều kiện bán thuốc. Lãnh đạo FPT Long Châu cũng đã gửi công văn đến Bộ Y tế đề nghị xem xét chấp thuận các điều kiện bán thuốc như trên cũng như có những hướng dẫn cụ thể, để xử trí linh hoạt cho người dân. 

Theo đại diện doanh nghiệp này, video tự quay cần thể hiện rõ người được lấy mẫu test, thao tác, quá trình thực hiện, cận cảnh vào kết quả hai vạch đỏ (dấu hiệu dương tính). Khi bán Molnupiravir, nhân viên nhà thuốc đồng thời lưu trữ video cùng các giấy tờ liên quan nếu có, vào hệ thống cùng các thông tin của bệnh nhân.

F0 chưa có triệu chứng không được dùng Molnupiravir

Theo Sở Y tế TP.HCM, thuốc kháng virus là thuốc bán theo đơn, phải có toa thuốc được kê bởi bác sĩ có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trước đó, Bộ Y tế chỉ có hướng dẫn kê đơn thuốc để phát miễn phí cho người dân trong chương trình thử nghiệm lâm sàng, vẫn chưa có hướng dẫn kê đơn thuốc này để người dân có thể tự mua về sử dụng. Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề xuất lên Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng, kê toa và kinh doanh mặt hàng thuốc Monupiravir trên địa bàn, đây là bước cuối cùng, là cơ sở pháp lý để Thành phố mạnh dạn cho các nhà thuốc tham gia.

Tại cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch chiều 28/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện Thành phố vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir phát miễn phí tại các cơ sở y tế, dành cho các đối tượng đủ điều kiện sử dụng, ưu tiên cho những người có nguy cơ.

Theo Bo Y te F0 chua co trieu chung khong duoc dung Molnupiravir.jpg

Theo Bộ Y tế, F0 chưa có triệu chứng không được dùng Molnupiravir

Theo Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch và Phục hồi kinh tế TP.HCM Phạm Đức Hải, người dân test nhanh dương tính nên khai báo với trạm y tế địa phương, được nhân viên y tế theo dõi, quản lý, chăm sóc. Khi đánh giá F0 nằm trong nhóm cần sử dụng thuốc kháng virus, bác sĩ sẽ kê đơn, phát thuốc miễn phí, người dân không nên tự động uống hoặc mua.

Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 trước đó. Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng không được dùng Molnupiravir, chỉ trường hợp mắc COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình mới cần sử dụng. 

Cụ thể, các triệu chứng nhẹ như SpO2 lớn hơn 96%, nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút. Triệu chứng nặng là SpO2 từ 94-96%, nhịp thở 20-25 lần/phút, tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50% hoặc người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền, coi như mức độ trung bình. Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc ở mức độ nhẹ được xét ở cả người điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy tình hình dịch. Bộ Y tế cũng bổ sung hướng dẫn về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, lưu ý đối với 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 đang được Việt Nam sử dụng hiện nay là Remdesivir và Molnupiravir.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn