Thế giới

Người dân chạy khỏi Afghanistan: Nguy cơ làn sóng người tị nạn tại các nước láng giềng

Tình hình Afghanistan đặc biệt hỗn loạn sau khi Taliban bắt đầu kiểm soát thủ đô Kabul. Nhiều người dân Afghanistan đã đổ xô về các khu vực sân bay và các khu vực biên giới với hi vọng có thể nhanh chóng rời khỏi đất nước.

16/08/2021 09:23

Lo lắng, sợ hãi và tháo chạy là tâm lý chung của nhiều người dân Afghanistan vào lúc này. Lo sợ Taliban có thể quay trở lại nắm quyền và thực thi những chính sách hà khắc, nhiều người dân đã tìm đường rời khỏi đất nước. Giao thông đặc biệt ách tắc tại các con đường dẫn đến sân bay Kabul đã khiến nhiều người đã phải bỏ lại ô tô, đi bộ để đến được sân bay.

Người dân chạy khỏi Afghanistan: Nguy cơ làn sóng người tị nạn tại các nước láng giềng - Ảnh 1.

Nhiều người dân Afghanistan đang đổ xô về các khu vực sân bay và các khu vực biên giới với hi vọng có thể nhanh chóng rời khỏi đất nước. Ảnh: AP

Trong khi tại các khu vực biên giới giữa Afghanistan và các nước láng giềng như Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, từ mấy ngày qua, có rất nhiều người đã băng qua khu vực biên giới để sang các nước láng giềng tị nạn.

“Tôi đã có hộ chiếu Uzbekistan. Tôi phải nhanh chóng tới đó để đoàn tụ cùng gia đình. Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, một người dân Afghanistan nói.

Dòng người tháo chạy ồ ạt khỏi Afghanistan đã khiến nhiều nước láng giềng không khỏi lo ngại về nguy cơ xảy ra làn sóng người di cư như đã từng xảy ra ở Syria sau khi chiến tranh nổ ra ở quốc gia Trung Đông này 10 năm về trước.

Trong một tuyên bố trước báo giới ngày 15/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan nhấn mạnh: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một làn sóng người tị nạn Afghanistan quá cảnh qua Iran. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để ổn định tình hình khu vực, đặc biệt là tại Afghanistan”.

Trong lúc này, lo ngại tình hình bất ổn tại Afghanistan, nhiều nước tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch sơ tán công dân khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết đang nỗ lực sơ tán các nhân viên ngoại giao nước này khỏi Afghanistan. Trong khi Pháp và Đức đã điều các máy bay quân sự hoạt động xuyên đêm để sơ tán công dân về nước.

Chính phủ Nepal cũng đã kêu gọi sơ tán 1.500 công dân Nepal đang làm việc ở Afghanistan về nước.

Trước đó, Mỹ đã triển khai 5.000 binh sĩ tới Kabul để hỗ trợ nhân viên đại sứ quán Mỹ và những người Afghanistan từng hỗ trợ cho quân đội Mỹ khi đóng quân tại nước này. Anh cũng đã điều 600 binh sĩ tới Afghanistan để hỗ trợ việc sơ tán công dân và phái bộ ngoại giao.

Cũng trong ngày 15/8, Mỹ cùng gần 70 quốc gia khác đã ra tuyên bố chung kêu gọi hỗ trợ người dân Afghanistan và công dân các nước khác muốn rời khỏi Afghanistan.

Tuyên bố chung cho biết do tình hình an ninh đang xấu đi tại Afghanistan, các nước ủng hộ và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng và tạo điều kiện cho người nước ngoài và người dân Afghanistan rời khỏi nước này một cách an toàn và trật tự. Tuyên bố chung nhấn mạnh, lực lượng nắm quyền và có thẩm quyền ở Afghanistan có trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản cũng như khôi phục ngay lập tức an ninh và trật tự dân sự. Những người có nguyện vọng rời khỏi Afghanistan phải được tạo điều kiện và các tuyến đường, sân bay, và cửa khẩu phải được mở trong khi trật tự phải được duy trì.

Tuyên bố chung cũng nêu rõ người dân Afghanistan xứng đáng được sống trong an toàn, an ninh và phẩm giá và cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ họ.

Ý kiến của bạn