Người cưu mang trung úy Shaw
(VOVTV) - Năm 1944, một phi công Mỹ tên là Shaw rơi xuống Cao Bằng. Ông Hồng Kỳ là người đã che giấu và đưa phi công lên gặp Bác.
Ông Hồng Kỳ (tên thật là Đoàn Minh Nhật) sinh năm 1913, quê tại Hòa An (Cao Bằng). Ông là một trong những người cộng sản đầu tiên tại Cao Bằng, chỉ sau Hoàng Văn Thụ và Hoàng Đình Dong.
Ngay từ năm 1932, ông được giao nhiệm vụ phát triển Đảng tại các vùng phía Nam Cao Bằng. Thời kỳ này ông đã xuống Hà Nội để gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp nhằm thông tin liên lạc. Lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đang là giáo viên tại Hà Nội và hai người đã có nhiều thời gian làm việc với nhau.
Từ năm 1940-1944, ông bị thực dân Pháp bắt đi tù tại Sơn La. Tại nhà tù ông có nhiều dịp được rèn luyện, trau dồi trong các hoạt động với những đảng viên cộng sản kì cựu. Thời kỳ này ông thân với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và tình bạn này kéo dài cho đến hàng chục năm về sau. Đầu năm 1944 ông được ra tù.
Thực dân Pháp đưa ông về Cao Bằng. Rồi chính quyền tại Cao Bằng cho áp tải ông về địa phương để quản thúc. Trên đường về ông đã kịp thời nhắn cho anh em cơ sở bám theo đề phòng địch thủ tiêu khi trở lại Hòa An. Tại đây ông là chủ nhiệm Việt Minh xây dựng căn cứ để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Chiều 2/11/1944, trung úy phi công William Shaw – thuộc Phi đội 51, Không đoàn số 14 của Mỹ đóng tại Hoa Nam (Trung Quốc) đang bay làm nhiệm vụ thì máy bay bị hỏng, buộc phải nhảy dù xuống Nà Thúm. Người trung úy Shaw gặp đầu tiên là ông Đoàn Văn Cừ (hội viên hội thanh niên cứu quốc) đang gặt lúa tại gần đó.
Sau này trong hồi ký trung úy Shaw kể lại: "Ngay khi tôi vừa chạm đất, một người nông dân trẻ tuổi bước tới mỉm cười, thân mật bắt cả hai tay tôi và ra hiệu tôi đi theo anh ta. Tôi đưa anh ta 600 đô la Đông Dương. Anh ta nhất quyết không nhận tiền và có vẻ như bị xúc phạm. Họ giúp chúng tôi không phải vì tiền mà vì tình thương yêu và bằng hữu. Họ biết rằng chúng tôi chiến đấu không chỉ vì nước Mỹ mà vì tự do dân chủ của thế giới và cũng vì đất nước của họ". Ông Đoàn Văn Cừ dẫn phi công Mỹ đến nhà ông Hồng Kỳ cách đấy 1 km. Sau khi gặp trung úy Shaw, ông Hồng Kỳ nhận thức ngay được vấn đề và cho người đưa phi công Mỹ vào giấu trong núi tại khu vực an toàn. Khoảng 15 phút sau, đội lính đóng biết tin cũng đến gặp ông Hồng Kỳ để tìm phi công Mỹ. Chúng sục sạo xung quanh nhà ông Hồng Kỳ rất ghê.
Ông Hồng Kỳ giả vờ nói: "Nó cao to lắm và có súng nên tôi sợ không dám bắt". Rồi ông cho anh em bắn tin với bọn lính dõng: "Đứa nào muốn còn đầu ở trên cổ thì đừng đi tìm phi công Mỹ". Khi đêm xuống ông cho anh em mang xôi và gà vào trong núi, nơi trung úy Shaw ẩn náu. Lúc đầu gà được cắt ra từng miếng nhỏ thì viên phi công Mỹ không chịu ăn, có lẽ sợ có thuốc độc. Sau đó anh em luộc cả con đưa thì trung úy Shaw mới ăn. Có lần tiếp tế du kích đưa 2 con gà và 2 gói xôi để Shaw ăn trong hai ngày nhưng ngày thứ hai vào thì thấy mới ăn hết 1 con gà và 1 gói xôi còn tiêu chuẩn hôm sau anh ta không ăn và nói rằng đã để qua một đêm mất vệ sinh.
Tín hiệu để liên lạc khi du kích vào gặp Shaw là huýt sáo làm ám hiệu. Có lần anh du kích kể với Hồng Kỳ là: đi vào huýt sáo mãi mà không thấy Shaw trả lời, sát đến nơi mới thấy huýt lại, té ra Shaw rất cẩn thận kiểm tra xem có đúng là người của mình không.
Sau một thời gian bảo vệ và nuôi dưỡng Shaw, ông Hồng Kỳ xin ý kiến Bác Hồ thì được chỉ thị phải tổ chức đưa trung úy phi công Mỹ lên gặp Bác. Lúc này quân Nhật đã chuyển hướng lùng sục phi công Mỹ theo hướng khác vì chúng nhận định rằng có thể Shaw đã chạy thoát sang biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo hướng Quảng Uyên, Phục Hòa. Ông Hồng Kỳ nửa đêm bí mật đưa Sao đến Lam Sơn và sau đó tới khu căn cứ gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh tại Pắc Pó.
Như chúng ta đã biết, Hồ Chủ tịch và du kích đã đưa trung úy Shaw sang Côn Minh trở về đơn vị cũ. Sau này trong hồi ký viên phi công Mỹ viết: "Tháng 12, những người bạn Đông Dương đưa tôi về Trung Quốc, trước khi chia tay họ dặn đi dặn lại cho gửi chào tốt đẹp nhất tới quân đội và nhân dân Mỹ… Tôi khiêm nhường nghĩ rằng vì nhiệm vụ dân chủ cũng như vì lợi ích chiến lược chúng ta phải giúp đỡ phong trào chống Nhật, chống phát xít của Đông Dương có hiệu quả".
Nhiều năm sau này, Shaw vẫn giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về những ngày tháng tại Cao Bằng, không ngờ tại nơi núi rừng heo hút lại có những người đối xử với anh văn minh như vậy.
Việc Bác Hồ trực tiếp đưa trung úy Shaw sang Trung Quốc đã mở ra một cánh cửa bang giao mới với nước Mỹ. Chính từ lần gặp gỡ này, sau cuộc gặp gỡ của lãnh tụ Hồ Chí Minh với tướng Chennault, nước Mỹ với tư cách là đồng minh chống phát xít đã giúp Việt Minh về cán bộ, thuốc men, vũ khí…
Vào ngày 17/7/1945, đội Con Nai đã nhảy dù xuống Tuyên Quang để huấn luyện sử dụng vũ khí của Mỹ cho bộ đội Việt Minh.
Chủ tịch đầu tiên của Cao Bằng
Sau ngày Cách mạng thành công, ông Hồng Kỳ được giao trách nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Cao Bằng. Chính quyền nhân dân non trẻ mới ra đời nên công việc rất bề bộn. Nhiều cán bộ nòng cốt của Cao Bằng được đưa về xuôi để giúp phong trào các tỉnh khác. Thổ phỉ và nhiều kẻ xấu vẫn hoạt động bí mật ở vùng biên giới.
Nhiều người đến gặp ông Hồng Kỳ và hỏi: "Tại sao chúng ta không trả thù kẻ đã bắn anh Kim Đồng và người đã bắt đồng chí Phùng Chí Kiên?" Ông trả lời: "Nếu định xử lý hai người đó thì du kích phải xử lý lúc trước khi Cách mạng thành công. Còn bây giờ khi chính quyền mới thành lập, hận thù cũ phải xóa bỏ. Máu người tanh lắm không nên làm đổ nữa". Trong thời gian ông làm việc tại đây nổi tiếng là người liên khiết.
Sau này Bác Hồ về thăm Cao Bằng có gặp ông và Đảng ủy, Bác hỏi thân mật: "Cao Bằng bây giờ có dám phấn đấu để không ai cao bằng mình không?". Đồng chí Hồng Kỳ đứng dậy rồi thưa rằng: "Dạ phong trào cả tỉnh đang yếu nhiều mặt, Bác dạy thế cao quá. Cao Bằng khó lòng đạt được". Sau vài giây suy nghĩ Bác hỏi tiếp: "Vậy thì Cao Bằng chí ít cũng phải phấn đấu để cao bằng người ta". Đồng chí Hồng Kỳ thay mặt Đảng bộ đã đứng dậy hứa làm theo đúng lời Bác dậy.
Cùng với những cán bộ lão thành, ông Hồng Kỳ là một trong những người đã đóng góp nhiều công lao xây dựng phong trào Cao Bằng - cái nôi của Cách mạng - và tiến tới Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc tháng 8/1945.
(Theo lời kể của ông Đoàn Hồng Trường - con trai cụ Hồng Kỳ)