Tin tức

'Ngữ dụng học - Từ lí thuyết đến thực tiễn tiếng Việt' - Một quan điểm mới mẻ và toàn diện về ngữ dụng học

(VOVTV) - “Ngữ dụng học - Từ lí thuyết đến thực tiễn tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Thiện Giáp là công trình nghiên cứu khoa học công phu, giới thiệu một cách đầy đủ và hệ thống tất cả các vấn đề được nghiên cứu trong ngữ dụng học, đặc biệt hữu ích với những ai sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện nghề nghiệp như nhà báo, nhà văn, giáo viên ...

Tác giả PGS.TS. Vũ Kim Bảng - Chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Phương Đông
25/11/2022 19:18

Ngữ dụng học là ngành ngôn ngữ học nghiên cứu cách các phát ngôn truyền đạt nghĩa trong ngữ cảnh, nghiên cứu loại nghĩa không phải bản chất của biểu thức ngôn ngữ mang nó mà là kết quả của sự tương tác của biểu thức ngôn ngữ với ngữ cảnh mà nó được sử dụng. Ở Việt Nam, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân là những người đầu tiên nghiên cứu ngữ dụng học, bản thân tác giả Nguyễn Thiện Giáp cũng đã xuất bản cuốn "Dụng học Việt ngữ" năm 2000 và cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần. Tuy nhiên, cuốn "Ngữ dụng học - Từ lí thuyết đến thực tiễn tiếng Việt" của Nguyễn Thiện Giáp được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2022 là công trình công phu, hoành tráng nhất, giới thiệu một cách đầy đủ và hệ thống tất cả các vấn đề được nghiên cứu trong ngữ dụng học. 

'Ngữ dụng học - Từ lí thuyết đến thực tiễn tiếng Việt' - Một quan điểm mới mẻ và toàn diện về ngữ dụng học - Ảnh 1.

Cuốn sách chia làm 14 chương, dày 450 trang. Chương 1 xác định dụng học và ngữ dụng học, phân biệt ngữ dụng học với ngữ nghĩa học và cú pháp học, trình bày những vấn đề về dụng học nhận thức và ứng dụng ngữ dụng học. Chương 2 định nghĩa và phân loại ngữ cảnh, xác định khái niệm quy chiếu và các loại biểu thức trực chỉ. Năm chương tiếp theo giới thiệu các lí thuyết chính trong ngữ dụng học. Đó là lí thuyết hành động ngôn từ, lí thuyết giao tiếp, nguyên tắc hợp tác và hàm ý, lí thuyết tương thích và lí thuyết lịch sự.

Điều mới mẻ ở đây là tác giả không chỉ giới thiệu các lí thuyết một cách chính xác mà còn cập nhật thông tin, trình bày những phê phán đối với các lí thuyết đã có và chỉ ra những vấn đề mới được đề xuất và nghiên cứu. Ở Việt Nam hiện nay, đa số chưa phân biệt phân tích hội thoại, phân tích văn bản và phân tích diễn ngôn. Trong công trình này, tác giả phân biệt hội thoại - sự tương tác bằng lời giữa hai hoặc hơn hai người, với văn bản - một đơn vị giao tiếp đơn thoại, phân biệt văn bản với diễn ngôn, coi văn bản là một sản phẩm ít nhiều mang tính vật chất hơn diễn ngôn, nó là kết quả của diễn ngôn, trong khi diễn ngôn được coi như một quá trình dẫn đến tạo ra một văn bản. 

'Ngữ dụng học - Từ lí thuyết đến thực tiễn tiếng Việt' - Một quan điểm mới mẻ và toàn diện về ngữ dụng học - Ảnh 2.

Những đặc điểm sau đây tạo nên tính văn bản: tính liên kết, tính mạch lạc, tính chủ định, tính thông tin, tính khả chấp, tính tình huống, tính liên văn bản. Ngoài ra, các văn bản còn phải tuân theo 4 nguyên tắc điều tiết là: tính hiệu năng, tính hiệu quả, tính thích hợp và tính tự nhiên. Đặc trưng cốt yếu của văn bản là mạch lạc (Chương 9). Trên cơ sở đó, tác giả đã trình bày phân tích hội thoại (Chương 8), phân tích văn bản (Chương 10) và phân tích diễn ngôn (Chương 11) như những cách tiếp cận có mục đích và thủ pháp nghiên cứu khác nhau. Chương 12 trình bày rõ thể loại diễn ngôn, phân biệt thể loại văn học với thể loại diễn ngôn phi văn học và những xu hướng phân tích thể loại hiên nay. Ngoài ra, tác giả còn đi sâu phân tích một số thể loại diễn ngôn chính trị như Phỏng vấn chính trị, Bài phát biểu chính trị. Chương 13 trình bày việc phân tích diễn ngôn dưới góc độ dụng học. Tri thức nền là sự hiểu biết và sự cảm nhận các hiện tượng văn hóa của cả người nói và người nghe, làm cơ sở bảo đảm thành công cho sự giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Nhìn chung, sơ đồ, trường cảnh, khung và kịch cảnh đều là những phương tiện lưu giữ tri thức nền trong bộ nhớ. Tác giả đã giới thiệu khá kĩ về dụng học liên văn hóa và dụng học giao văn hóa, dụng học tương phản và dụng học ngữ trung gian. Các môn học có tính truyền thống như Tu từ học và Phong cách học cũng được trình bày dưới góc nhìn của Ngữ dụng học ở chương cuối cùng với nhiều thông tin mới mẻ. Những tri thức trong chương này rất hữu ích với việc nghiên cứu văn học..

"Ngữ dụng học - Từ lí thuyết đến thực tiễn tiếng Việt" thực sự là một công trình rất hữu ích, là bệ đỡ cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh các ngành ngôn ngữ học, báo chí học, văn hóa học, nhân học và xã hội học. Bản chất của ngữ dụng học là nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp cho nên nó hữu ích với bất cứ ai sử dụng ngôn ngữ làm công cụ nghề nghiệp của mình như nhà văn, nhà báo, giáo viên, các cán bộ tuyên truyền.

Đối với việc giảng dạy ngoại ngữ, những tri thức trong cuốn sách này rất cần thiết và hữu dụng. Để học một ngôn ngữ khác thành công, để giao tiếp liên văn hóa có hiệu quả, chỉ có kiến thức ngôn ngữ thôi chưa đủ, mà cần phải nắm vững ngữ năng giao tiếp, tức là những kiến thức về diễn ngôn và văn hóa. Ngữ năng giao tiếp gồm những kiến thức và kĩ năng sau: kiến thức ngôn ngữ, kĩ năng giao tiếp và kiến thức văn hóa. Kiến thức văn hóa lại bao gồm kiến thức văn hóa chung và kiến thức văn hóa cụ thể. Những tri thức về giao tiếp liên văn hóa và giao văn hóa là không thể thiếu đối với các giáo viên dạy ngoại ngữ. Những tri thức về lí thuyết tương thích cũng rất cần thiết đối với công tác dịch thuật từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt cũng như từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài. Nhìn chung, đây là công trình tổng hợp tri thức ngữ dụng học mới nhất trong và ngoài nước, cũng là thành quả nghiên cứu nhiều năm của tác giả.

GS.TS.NGND Nguyễn Thiện Giáp là một trong những nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học nổi tiếng của Việt Nam. Ông quan tâm đến các vấn đề lý luận ngôn ngữ, từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt, dụng học Việt ngữ. Đến nay, ông đã cho xuất bản 26 đầu sách, cũng là những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đặc biệt về ngôn ngữ. Ông đạt nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2012 cho cụm công trình "Từ và từ vựng học tiếng Việt"; Giải Đồng Sách hay năm 2013 cho công trình "Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ"; Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2020 cho tác phẩm "Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ hiện đại"…


 

Ý kiến của bạn