Ngọc kỳ lân - loài cây hoa đẹp thường nhầm với cây Sala
(VOVTV) - Ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa có một vài đoạn phố trồng nhiều cây Ngọc kỳ lân. Nhiều người thường nhầm loài cây này với cây sala gắn liền với truyền thuyết về Đức Phật.
Nếu ai đã từng đi Huế, thăm các ngôi chùa sẽ gặp một loài cây cành hoa xoắn xuýt như dây mây ở quanh thân, hoa đỏ, quả to tròn như gáo dừa. Nhiều người gọi đó là cây Sala, loài cây gắn liền với truyền thuyết Đức Phật nhập Niết Bàn. Ở Nha Trang, trong một số ngôi chùa cũng có trồng cây hoa đó. Ở trung tâm thành phố, đoạn gần nhà thờ Mẫu Tâm cũng có trồng. Mùa này hoa đang nở đỏ rực, nhưng cũng có cây đã thụ trái. Kỳ thực, loài cây này là ngọc kỳ lân.
Ngọc kỳ lân là loài cây bản địa của Trung và Nam Mỹ. Do hoa đẹp nở đầy quanh thân cây nên được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á, hoa được trồng nhiều trong chùa và thường được gọi là sala, loài cây gắn liền với Phật giáo.
Hoa ngọc kỳ lân được yêu thích nhờ vẻ đẹp kiều diễm và lạ lẫm
Kỳ thực, đây không phải là cây Sala được nhắc tới trong Kinh Phật. Bởi lẽ theo Kinh Đại bát Niết bàn, khi Đức Phật nhập diệt trong rừng cây Sala, cây đã phủ hoa trắng rừng để giã biệt kim thân Đức Phật.
Cây Sala trong kinh điển Phật giáo có tên khoa học là Shorea robusta, có nguồn gốc từ vùng tiểu lục địa Ấn Độ, vùng phía nam dãy núi Himalaya từ Myanmar đến Nepal, Ấn Độ và Bangladesh.
Theo một bài đăng trên Sunday Times của Sri Lanka năm 2015, việc cây Ngọc kỳ lân nguồn gốc Nam Mỹ bị nhầm là cây Sala của Ấn độ có thể liên quan tới thời kỳ thuộc địa.
Loài cây này có thể do người Bồ Đào Nha mang từ Brazil ở Nam Mỹ tới Sri Lanka ở Nam Á, hoặc cũng có thể do người Anh mang từ Guyana tới Sri Lanka vì yêu thích vẻ đẹp của cây. Một số người Sri Lanka nhầm tưởng và đã mang đi trồng tại các ngôi chùa.
Một hàng Sala được trồng phía trước Thánh tích Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết bàn, thuộc Utta Pradhesh, Ấn Độ
Khác với cây Ngọc kỳ lân chỉ có giá trị làm cảnh, cây Sala ngoài vẻ đẹp, hương thơm còn là loài cây cho gỗ tốt và là nguồn gỗ quan trọng thứ hai ở tiểu lục địa Ấn độ, chỉ sau gỗ tếch.
Tin nổi bật
Tin Video