Ngọc Chiến - Bản tình ca của núi rừng Tây Bắc
(VOVTV) - “Nghe gió kể chuyện, nghe suối tâm tình và nghe người dân quê tôi kể về câu chuyện đặc biệt của mảnh đất này” – Lời mời gọi của người con quê hương Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) như thôi thúc du khách gần xa lên đường ghé thăm miền quê cổ tích và hòa mình vào bản tình ca của núi rừng.
Sau chặng đường gần 80 km từ thành phố Sơn La, vượt đỉnh Sam Síp cao gần 2.000 m so với mặt nước biển, với 30 khúc cua ẩn mình trong mây, Ngọc Chiến hiện ra tựa bức tranh cổ tích, nên thơ, với những điều độc đáo hiếm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Điểm hấp dẫn đầu tiên trong hành trình, có lẽ là việc được thưởng thức “bản giao hưởng thiên nhiên” Ngọc Chiến - đó là sự hòa quyện của gió, của suối và những chiếc guồng nước ở các bản Khua Vai, Mường Chiến, bản Lướt và bản Phày. Bước qua những tảng đá xếp dài và cầu tre bắc ngang suối, ngồi bên chiếc chòi nhỏ ngắm nhìn guồng nước lớn quay đều, tiếng nước suối chảy róc rách, hương mạ non len lỏi theo cơn gió xuân… đem đến cảm giác bình yên lạ thường.
Chủ của 9 chiếc guồng nước ở bản Mường Chiến 2, ông Cầm Văn Phăn chia sẻ, bản thân không nghĩ rằng những chiếc guồng nước lại trở thành nét đẹp thu hút du khách đến thế. Chỉ biết rằng, guồng nước đã gắn bó với người dân từ bao đời nay, giúp bà con phát triển nông nghiệp, là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Ngọc Chiến còn thu hút du khách bởi những chiếc cổng chào độc đáo ở từng bản đến từng gia đình. 19 chiếc cổng chào của 15 bản là những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ những vật liệu bình dị, thân thuộc trong thiên nhiên, với sự đóng góp 100% kinh phí, ngày công của nhân dân trong xã. Tất cả đều có giá trị kiến trúc đặc biệt, ngoài việc để nhận diện bản, là ranh giới giữa các bản, đó còn là niềm tự hào của bà con và trở thành điểm check–in độc, lạ thu hút du khách.
Nếu như cổng chào của bản Chom Khâu được làm hoàn toàn bằng gỗ, thì cổng chào ở bản Pú Dảnh lại có mái lợp ngói đỏ và dùng những viên sỏi cuội ở suối để gắn dòng chữ tên của bản; cổng chào bản Lướt, với dòng chữ “Bản du lịch cộng đồng bản Lướt - Kính chào quý khách”; còn cổng chào bản Đông Xuông lại được viết bằng chữ phổ thông và chữ Thái...
Ông Lò Văn Án, trưởng bản Mường Chiến cho hay: "Thực hiện chủ trương của xã, sau khi lĩnh hội về triển khai cho bà con, tuyên truyền cho bà con là mình làm cái cổng to đẹp cho khách vào tham quan, gắn với phát triển du lịch. Cổng chung của bản làm hết 46 triệu, mỗi thành viên trong gia đình đóng góp 10 hòn đá chẳng hạn, rồi bà con nhân dân đóng góp tiền mua cát sỏi để xây".
Không chỉ ở các bản, mà hầu hết các gia đình ở Ngọc Chiến đều xây dựng những bức tường, cổng chào độc đáo, trang trí sáng tạo, làm nên nét đẹp riêng biệt không nơi nào có.
Ông Lò Văn Phới, bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến chia sẻ: "Mình sống với tự nhiên, với sông, với suối thì có đá cuội tự nhiên. Mình hình dung thiết kế một đôi cổng thật đẹp, nhặt đá ở suối về xây. Không gian của mình có đến đâu thì mình làm đến đó. Tường mình không xây bằng gạch nữa mà mình xây bằng đá, đá cuội, đá tự nhiên. Trên đá đó mình xây cái rãnh rộng 30cm, để cho phân cho đất trồng hoa, rất đẹp".
Một ngày ở Ngọc Chiến, du khách còn có thể rảo bước trên những con đường bê tông “0 đồng” chạy dọc khắp các bản làng, ngõ xóm, khu sản xuất, lung linh ánh điện không khác gì các thị trấn, thị tứ; hoặc có thể ghé thăm những ngôi nhà sàn của người Thái được làm bằng gỗ pơ mu với kiểu kiến trúc đầu đón, đầu xà, kèo cột tinh tế; thư giãn với suối khoáng nóng từ 35 đến 50 độ C; thưởng thức đặc sản nếp tan thơm dẻo, cá chép lưng gù độc lạ và nhiều ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây…
Ngoài vẻ đẹp trong mùa xuân, Ngọc Chiến còn thu hút du khách vào mỗi mùa lúa chín - khi những dải lụa vàng mênh mông chạy dọc chân trời; hay mùa sơn tra nở hoa với màu trắng tinh khôi phủ kín núi đồi; hoặc khám phá rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi và cùng trải nghiệm săn mây ở bản vùng cao Nậm Nghiệp.
Chị Hoàng Thùy Dung, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi cùng các bạn của mình đến xã Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La. Khi đến đây chúng tôi rất là ngỡ ngàng khi mà khung cảnh rất nên thơ, vẫn còn nhiều nét hoang sơ. Người dân ở đây thì nhà nào cũng có cái cổng bằng đá rất lạ, mọi người thân thiện. Khi chúng tôi đến đây được mọi người giới thiệu về vẻ đẹp của Ngọc Chiến. Dường như mỗi người dân đều trở thành một hướng dẫn viên du lịch rất chuyên nghiệp và thân thiện".
“Miền quê cổ tích" Ngọc Chiến đã và đang được đánh thức, tô điểm là bởi những chủ trương đặc biệt, tạo sự đồng thuận trong nhân dân từ “những người lái thuyền” Đảng ủy và chính quyền xã.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho hay: "Tất cả các chủ trương đã và đang thực hiện đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở là gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Cách làm của Ngọc Chiến là hướng đến mỗi sản phẩm du lịch đều đặc biệt, riêng biệt và khác biệt với tất cả các sản phẩm du lịch ở nơi khác trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Định hướng quan điểm rất rõ là lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển kinh tế, du lịch. Vậy nên tất cả những việc đang làm đều là khôi phục và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của cha ông để lại".
Với những nét đẹp nên thơ, nguyên sơ và đậm đà bản sắc, cùng sự giản dị, chân thành, mến khách, Ngọc Chiến luôn đem đến cảm giác thanh bình, quên đi những bộn bề, âu lo, sự tấp nập, ồn ào nơi phố thị. Chắc chắn, nếu có dịp ghé thăm, không ít người sẽ “phải lòng” miền quê cổ tích nơi rẻo cao này và sẽ còn muốn trở lại nhiều lần nữa...
Ngọc Chiến - Bản tình ca của núi rừng Tây Bắc
Tin nổi bật
Tin Video