Nghiên cứu mới về COVID-19 với trẻ em
Nghiên cứu mới được công bố một ngày sau khi công ty Pfizer và BioNTech chính thức yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19, với liều lượng nhỏ hơn, cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 tương đương như người lớn. Đây là kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nhi khoa JAMA Pediatrics (thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, người lớn và trẻ em tại 2 thành phố Utah và New York (Mỹ) đều có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng trẻ em chỉ có triệu chứng trong khoảng một nửa thời gian mắc bệnh.
Theo PGS.TS Flor Munoz, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Texas: “Nghiên cứu chứng minh rằng, trẻ em ở mọi lứa tuổi bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi đều có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 tương tự so với người lớn”.
TS Flor Munoz cũng cho rằng, những phát hiện mới cần được xem xét trong các nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19, cũng như để nghiên cứu vaccine và phương pháp điều trị.
Nghiên cứu này được công bố chỉ một ngày sau khi công ty Pfizer và BioNTech chính thức yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19, với liều lượng nhỏ hơn, cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Nghiên cứu này, được thực hiện từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021, bao gồm dữ liệu về 1.236 người từ 310 gia đình có từ 1 con trở lên ở New York và một số quận nhất định ở Utah.
Tiến sĩ Fatimah Dawood thuộc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cùng các đồng nghiệp đã phân tích tỷ lệ mắc COVID-19 và phát hiện ra rằng, trong các gia đình có ít nhất 1 người mắc bệnh thì nguy cơ lây nhiễm trung bình trong gia đình là 52%.
Khi phân tích tỷ lệ mắc bệnh theo nhóm tuổi, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, tỷ lệ mắc COVID-19 theo độ tuổi là tương đồng. Cụ thể, trong 1.000 người có khoảng 6,3 trẻ em dưới 4 tuổi mắc COVID-19; 4,4 trẻ từ 5-11 tuổi; 6,0 trẻ em từ 12-17 tuổi; và 5,1 ca là người lớn.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện 52% trẻ em dưới 4 tuổi mắc bệnh nhưng không có triệu chứng; tỷ lệ này là 50% trong nhóm 5-11 tuổi; 45% trong nhóm 12-17 tuổi. Nhưng chỉ ở 12% người lớn mắc COVID-19 là không có triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, một số triệu chứng bệnh ở trẻ nhỏ có thể đã bị bỏ sót vì dữ liệu được thu thập thông qua người lớn chăm sóc, thay vì lấy thông tin trực tiếp từ trẻ nhỏ.
“Một phần lớn các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở trẻ em không có triệu chứng và có thể sẽ không được phát hiện nếu không thực hiện xét nghiệm. Trong khi, việc những người trưởng thành có triệu chứng khi mắc COVID-19 lại là một công cụ hữu ích để điều trị và ngăn ngừa virus phát tán” - nghiên cứu đăng trên tạp chí Nhi khoa JAMA Pediatrics nêu rõ.
Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, trẻ em và thanh thiếu niên nói chung an toàn hơn trước virus SARS-CoV-2 so với người trưởng thành hay các trường hợp có bệnh nền. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng ít có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong khi mắc COVID-19.
Mức độ nghiêm trọng tương đối thấp của dịch COVID-19 với trẻ em đã khiến nhiều bậc phụ huynh đặt câu hỏi liệu có cần tiêm phòng vaccine cho trẻ hay không.
Một cuộc khảo sát do Bệnh viện Nhi đồng tại Michigan (Mỹ) thực hiện hồi tháng 7/2021 cho thấy, 39% phụ huynh cho biết, con của họ đã tiêm 1 mũi vaccine. Tuy nhiên, 40% phụ huynh lại thể hiện sự phân vân về việc cho trẻ tiêm vaccine.
Theo một cuộc thăm dò khác do Axios/Ipsos thực hiện trong tháng 9/2021, 44% phụ huynh có con từ 5-11 tuổi nói rằng trẻ em nên tiêm vaccine và 42% có ý kiến ngược lại.
Tin nổi bật
Tin Video