Tin tức

Nghĩa tình người trồng sâm trên núi Ngọc Linh

(VOVTV) - Trong những năm qua, nhờ trồng được cây sâm Ngọc Linh, hàng trăm hộ dân tộc thiểu số Xơ Đăng ở ba xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã trở nên giàu có.

Tác giả Khoa Điềm / VOV Tây Nguyên
02/02/2021 11:04

Năm nay, 65 hộ dân ở làng Pu Tá, xã Măng Ri đón Tết vui hơn, vì làng đã có thêm nhiều hộ trồng được cây sâm Ngọc Linh và một số dược liệu khác.

Ông A Tôn, người trồng sâm Ngọc Linh ở làng Pu Tá chia sẻ: "Nhờ trồng sâm bà con phát triển kinh tế, có cái ăn cái mặc, mua được xe, xây được nhà, mua sắm đầy đủ đồ dùng trong nhà, có tiền cho con cái đi học".

Nghĩa tình người trồng sâm trên núi Ngọc Linh - Ảnh 1.

Cây sâm Ngọc Linh cho người Xơ Đăng thu nhập cao

Với giá bán trung bình hơn 100 triệu đồng/kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả lá như hiện nay, nhiều hộ dân Xơ đăng ở các xã: Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông đã thành tỷ phú.

Mỗi cây sâm Ngọc Linh một năm ra hoa một lần, trung bình mỗi cây cho từ 25 đến 30 hạt, cá biệt có cây tới 50 hạt. Cuối năm thu hoạch mỗi hạt sâm bán ngay cũng được trên 100.000 đồng, nếu ươm nảy mầm thành cây giá bán không dưới 300.000 đồng.

Điều đặc biệt ở xã Măng Ri cũng như Tê Xăng và Ngọc Lây là hộ nghèo cũng trồng được sâm Ngọc Linh. Vì thế, cây sâm Ngọc Linh không chỉ là cây phát triển kinh tế mà còn là cây nghĩa, cây tình.

Ông A Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri cho biết, để nhiều người cùng trồng được cây sâm, bà con cho nhau mượn, chia sẻ nguồn giống. Bản thân ông cũng là người đi đầu bảo tồn giống sâm Ngọc Linh rồi chia sẻ lại cho bà con.

Nghĩa tình người trồng sâm trên núi Ngọc Linh - Ảnh 2.

Mùa sâm Ngọc Linh ra hoa

Cùng với sự sẻ chia hỗ trợ trong nội bộ cộng đồng, một số doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông cũng có những hình thức hỗ trợ hiệu quả cho người dân. Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum là một điển hình. Công ty đã nhận người của khoảng 300 hộ dân Xơ đăng vào trồng sâm, cấp quần áo bảo hộ, nuôi ăn ở và mỗi tháng trả lương từ 3 đến 5 triệu đồng.

Để người dân gắn bó hơn với doanh nghiệp và phát triển được kinh tế gia đình, mỗi năm công ty hỗ trợ cho mỗi người 100 cây sâm giống để trồng riêng làm vốn. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân. Ông A Phú, Thôn trưởng thôn Long Láy cho biết, cây sâm Ngọc Linh không chỉ quý về giá trị mà còn là nghĩa tình, là hiệu quả nhiều mặt mà loại cây dược liệu này mang lại cho cuộc sống người dân.

Tính đến cuối năm 2020 tỉnh Kon Tum có tổng diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 630ha, trong đó hàng chục ha thuộc sở hữu của người dân Xơ đăng ở ba xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông.

Nghĩa tình người trồng sâm trên núi Ngọc Linh - Ảnh 3.

Một làng của người Xơ đăng ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông

Nhờ phát huy được tinh thần tương thân, tương ái trong nội bộ người dân và trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp nên diện tích cây sâm Ngọc Linh tại địa phương này đang không ngừng mở rộng.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Tu Mơ Rông như vui hơn bởi cây sâm Ngọc Linh không chỉ đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng mà còn là biểu tượng của tinh thần vì cộng đồng phát triển.

Ý kiến của bạn