Nghị viện châu Âu kêu gọi tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022
(VOVTV) - Các nghị sĩ châu Âu ngày 8/07 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết không bắt buộc, kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Olympic mùa Đông 2022 tổ chức tại Bắc Kinh – Trung Quốc, với các cáo buộc rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Kết quả cuộc bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 được Nghị viện châu Âu công bố sáng ngày 9/7 cho thấy, các nghị sĩ châu Âu đã ủng hộ với tỷ lệ áp đảo nghị quyết này, với 578 phiếu ủng hộ so với 29 phiếu chống. Tất cả các nhóm đảng lớn tại Nghị viện châu Âu, như nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) hay nhóm đảng "Đổi mới" (Renew) đều ủng hộ nghị quyết này.
Nghị quyết 28 điểm kêu gọi Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu cũng như các quốc gia thành viên EU "từ chối các lời mời đại diện chính phủ cũng như các nhà ngoại giao tham dự Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, trừ khi Trung Quốc chứng tỏ được sự cải thiện rõ ràng và được kiểm chứng về tình hình nhân quyền tại Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông cũng như các nơi khác tại Trung Quốc".
Ngoài lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao với Olympic Bắc Kinh 2022, nghị quyết của Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi gia tăng trừng phạt đối với Trung Quốc, cung cấp visa khẩn cấp cho các nhà báo Hong Kong cũng như các biện pháp ủng hộ khác giúp công dân Hong Kong chuyển đến sinh sống tại châu Âu.
Nghị quyết này của Nghị viện châu Âu là động thái căng thẳng mới nhất trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Hồi tháng 03/2021, hai bên tung ra các đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau vì vấn đề Tân Cương, trong đó Trung Quốc áp dụng các trừng phạt nhằm vào nhiều nghị sĩ và tiểu ban của Nghị viện châu Âu.
Việc trả đũa leo thang của Trung Quốc khiến Nghị viện châu Âu vào tháng 05/2021 ra quyết định đóng băng việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc được hoàn tất cuối năm 2020. Nghị viện châu Âu tuyên bố sẽ không khởi động lại tiến trình phê chuẩn Hiệp định đầu tư chừng nào Trung Quốc chưa gỡ các lệnh trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ và học giả châu Âu.
Tuy nhiên, phản ứng trước các động thái từ phía châu Âu, Trung Quốc cho rằng các nước khác đang cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ không đánh đổi lợi ích cốt lõi của mình chỉ để lấy sự ủng hộ của một vài lực lượng tại châu Âu. Trung Quốc cũng cho rằng Nghị viện châu Âu đang tạo ra cản trở lớn nhất cho chính châu Âu.