Tin tức

Nghị định 100 sửa đổi xử lý nghiêm vi phạm giao thông

(VOVTV) - Nhằm đồng bộ với Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/1/2022, Bộ GTVT đang trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Tác giả Mạnh Phương / VOV1
06/10/2021 11:00

Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ tăng lên mức cao nhất đến 75 triệu đồng.

Nội dung sửa đổi của Nghị định 100 tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm, đồng thời bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý và quy trình cho lực lượng thực thi công vụ, tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh.

Theo đó, trưởng Công an cấp xã được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm lên đến 2,5 triệu đồng. Trưởng Công an cấp huyện được quyền xử phạt lên đến 15 triệu đồng và giám đốc công an cấp tỉnh có quyền xử phạt lên đến 37,5 triệu đồng...

Nghị định 100 sửa đổi xử lý nghiêm vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ tăng lên mức cao nhất đến 75 triệu đồng

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau gần 2 năm Nghị định 100 có hiệu lực, tình hình trật tự, an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực đồng thời phát sinh những tình huống nhất định. Cơ quan chức năng điều chỉnh một số quy định cho sát thực tế hơn.

"Ví dụ như việc che, dán biển số, hay dùng biển số giả trùng với xe khác gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến người chủ xe bị đối tượng dùng biển giả khi không vi phạm lại bị xử lý", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.

Theo dự thảo Nghị định 100 sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, các hành vi chở quá tải, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe… được kiến nghị tăng mức phạt, hành vi bán, sản xuất biển số xe giả có mức phạt tăng gấp 10 lần.

Những hành vi được đề xuất tăng mức xử phạt lần này đều có tính chất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn và gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Ví dụ hành vi dừng đỗ xe trên cao tốc không đúng nơi quy định, mức phạt tăng từ 6 - 8 triệu đồng hiện tại lên mức 10 - 12 triệu đồng; tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10 - 15 triệu đồng, đua ô tô lên 20 - 25 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng mắc tăng này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Văn Tiến ở Gia lâm, Hà Nội cho rằng: "Những trường hợp đua xe là cố tình vi phạm pháp luật gây nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng người tham gia giao thông khác cần phải xử lý nặng hơn, thậm chí phải bổ sung thu phương tiện".

Nghị định 100 sửa đổi xử lý nghiêm vi phạm giao thông - Ảnh 2.

Bộ GTVT đang trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

Theo dự thảo, hành vi chở quá tải trên 50% sẽ phạt tới 40 - 50 triệu đồng, không đội mũ bảo hiểm nâng mức phạt lên 400.000 - 600.000 đồng. Tuy nhiên, việc nâng mức xử phạt đối với trường hợp quên mang giấy phép lái xe, hay chưa kịp đổi giấy phép lái xe vẫn có những ý kiến trái chiều.

Ông Trần Đức Sơn ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay: "Nghị định sửa đổi tăng cũng không phải là nhiều, nhưng trong thời điểm dịch Covid-19, chưa đăng kiểm hay quên đổi giấy phép lái xe không cố ý, Bộ GTVT đề xuất tăng là hơi cao".

Trong đề xuất tại dự thảo bổ sung, sửa đổi Nghị định 100 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hầu hết các mức phạt sẽ tăng gấp đôi, thậm chí tăng gấp 10 lần. Khi số tiền phạt vi phạm hành chính tăng cao thì sẽ rất dễ dẫn đến hành vi tiêu cực, "chung chi" trong quá trình thực thi công vụ của lực lượng chức năng.

Chính vì vậy, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 rất cần các quy định nhằm nâng cao công tác quản lý, giám sát, thậm chí cả chế tài quản lý đối với lực lượng thực thi công vụ.

Ý kiến của bạn